Ngày 5-12, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo "Định hướng phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia ở lĩnh vực du lịch.
Cần kiên quyết với tour giá rẻ
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, toàn TP hiện có 943 cơ sở lưu trú với 40.074 phòng, gần 376 đơn vị kinh doanh lữ hành. Ngoài ra, 85 dự án du lịch tiếp tục triển khai với tổng số vốn đầu tư là 7,2 tỉ USD.
Năm 2019, TP Đà Nẵng đón gần 8,7 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,5 triệu lượt. Thời gian lưu trú trung bình của du khách khi đến TP Đà Nẵng là 2,68 ngày. Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết sản phẩm du lịch của TP ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao như lễ hội pháo hoa quốc tế, Khu Du lịch Bà Nà, Khu Du lịch Núi Thần Tài. Đà Nẵng hiện có 31 đường bay quốc tế với tần suất 480 chuyến/tuần và 9 đường bay nội địa với tần suất 670 chuyến/tuần.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch, cho rằng du lịch của TP Đà Nẵng đừng quan tâm tới lượng nữa mà cần tập trung vào chất để đạt nguồn thu nhiều hơn, người dân được hưởng lợi hơn. Điều này đã được thể hiện tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
"Không phải là bao nhiêu khách đến TP Đà Nẵng mà là thu được bao nhiêu tiền để đóng góp cho ngân sách mới là điều quan trọng. Đông khách quá thì nhiều vấn đề phát sinh như áp lực về hạ tầng, môi trường. Nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai đề án quản lý khách du lịch theo sức chứa. Du lịch cứ chạy theo con số là chết!" - ông Lương nhận định.
Theo ông Lương, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam có nhiều người là lao động, đi học. Thói quen chạy theo thành tích khiến những người này vẫn được thống kê là khách du lịch.
"Chúng ta đề cao con số khách đến mà quên đi những thống kê quan trọng hơn, đó là con số chi tiêu trung bình của du khách hằng năm. Cái này phải đi điều tra mới biết được" - ông Lương nói.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đồng ý với quan điểm cần nâng chất du lịch của TP Đà Nẵng thay vì chạy theo số lượng. Theo đó, ông Vinh cho rằng TP Đà Nẵng đang xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp thì hãy cung cấp cho du khách cao cấp.
"TP Đà Nẵng nên kiên quyết nói không với tour giá rẻ. Vì tour giá rẻ chúng ta không có thu nhập gì cả. Họ đến ở tại khách sạn của họ, ăn trong nhà hàng, mua sắm trong khu của họ. Định hướng phát triển sắp tới là nên chuyển từ lượng sang chất. Hãy hỏi là mỗi du khách tăng chi tiêu bao nhiêu tốt hơn là năm nay được mấy triệu khách" - ông Vinh nêu.
Du khách xem biểu diễn nghệ thuật tại Khu Du lịch Bà Nà. Ảnh: TẤN THẠNH
Điểm yếu du lịch đêm
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thừa nhận du lịch của TP Đà Nẵng còn nhiều điểm yếu khiến tiềm năng lớn nhưng lượng khách đến chưa tương xứng và vẫn còn thiếu những dịch vụ để du khách phải chi tiền.
Cái thiếu lớn nhất hiện nay của TP Đà Nẵng là du lịch đêm. Hiện TP Đà Nẵng có nhiều chợ đêm nhưng chưa có điểm đến nào thật sự tạo ấn tượng. Theo ông Lương, các nước trong khu vực coi du lịch ban đêm là mỏ vàng, kiếm được rất nhiều tiền. Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng rất ít quy hoạch du lịch đêm và từ trước đến nay chưa thực sự quan tâm đến những khu riêng.
Nếu muốn phát triển phải điều chỉnh lại quy hoạch. Khu du lịch đêm nên đưa vào quy hoạch chung của TP, tránh xa các khu vực dân cư. Du lịch đêm cũng phải đi kèm chính sách riêng. Ví dụ như khu vui chơi giải trí nhạy cảm, cờ bạc thì phải nói tới chính sách đặc thù. Có vui chơi thì phải kèm vui chơi, mua sắm cho các quý bà.
"Trước nay chúng ta toàn thí điểm mà không thực hiện. TP Đà Nẵng phải mạnh dạn làm. Nếu chúng ta quản được thì không phải ngại gì cả" - ông Lương nêu ý kiến.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay khách đến đông nhưng không có chỗ tiêu tiền là một điểm yếu lớn. Ông Chinh dẫn chứng tại sân bay Đà Nẵng dù chỉ ngồi chừng nửa giờ cũng không biết phải làm gì, khách tiêu nhiều lắm là ăn một tô bún. Trong khi đó, nhiều sân bay ở các nước lân cận dù có đến 6 giờ chờ máy bay thì cũng không thiếu hoạt động để "móc" được tiền trong túi khách.
"Họ chỗ nào cũng thương mại hết. Ngay Huế, họ có nón lá chứ Đà Nẵng có gì, không biết tặng cho khách cái nào" - ông Chinh nói.
Đại diện Sở Du lịch TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 12 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030 có 19,5 triệu lượt khách, trong đó có 10 triệu lượt quốc tế. Theo ông Trần Chí Cường, Trưởng Ban Kinh tế - HĐND TP Đà Nẵng, việc thu hút du khách từ trước đến nay đã rất tốt nên định hướng thời gian tới là du khách chất lượng cao.
"Du lịch không có biên giới nên phải làm tốt việc liên kết vùng. Sản phẩm văn hóa của TP Đà Nẵng rất khó cạnh tranh với các địa phương khác nếu không có sự liên kết. Phải lồng ghép kinh tế đêm vào quy hoạch để tổ chức bài bản" - ông Cường nói.
Tái cơ cấu nguồn khách
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng du lịch đang mất cân đối nguồn khách rất nghiêm trọng, phụ thuộc rất lớn vào du khách Hàn Quốc, Trung Quốc.
Sắp tới, nếu lỡ có biến cố thì ngành du lịch trở tay không kịp. Nhiệm vụ trong 10 năm tới là tái cơ cấu nguồn khách, đa dạng hơn, thu hút du khách châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Đông, Ấn Độ.
Bình luận (0)