Cách đây hơn chục năm, Cà Mau bất chợt nổi tiếng với những danh thắng du lịch mà kể cả người trong tỉnh cũng phải tò mò: Khai Long, Hòn Đá Bạc, Đầm Thị Tường...
Du khách trải nghiệm tour xuyên rừng ngập mặn ở Cà Mau Ảnh: VÂN DU
Khi ấy, mặc dù giao thông còn quá cách trở, chủ yếu đi đường thủy mất rất nhiều thời gian nhưng khách vẫn kéo tới ùn ùn. Tại Hòn Đá Bạc, có lúc khách đông đến mức làm gãy chiếc cầu bắc từ đất liền ra hòn. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn với ngành du lịch Cà Mau trong những năm tháng vàng son ấy là không đủ sức để níu chân du khách. Phần lớn du khách đến một lần rồi không trở lại bởi chất lượng dịch vụ kém và đi lại khó khăn.
Điển hình như khu du lịch Hòn Đá Bạc nay đã thôi bán vé vào cổng, khách đến tham quan chỉ tốn phí gửi xe, đi xe điện và hình thành các dịch vụ ăn uống, chụp ảnh, câu cá nhưng vẫn vắng. "Nghe nói Đá Bạc từ lâu, bữa nay đi cho biết. Nói chung cảnh cũng đẹp nhưng sao không thấy dịch vụ du lịch gì hết" - anh Đinh Thái Phương, du khách đến từ Bạc Liêu, thắc mắc.
Năm 2019 mở ra với rất nhiều kỳ vọng về sự đột phá của du lịch Cà Mau. Thị trường du lịch của vùng đất tận cùng Tổ quốc đang dần nóng lên với sự quan tâm tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư. Các công ty, tập đoàn lữ hành du lịch cũng đã sớm thiết lập những "vệ tinh" của mình để có thể nắm bắt nhanh nhất xu thế này.
Cũng trong năm nay, Khu Du lịch Mũi Cà Mau được công nhận là khu du lịch quốc gia, là sự kiện mang ý nghĩa trọng đại, tạo cú hích to lớn cho ngành "công nghiệp không khói" ở Cà Mau. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Cà Mau Trần Hiếu Hùng nhận định: "Từ lâu du lịch Đất Mũi đã là trọng điểm, việc đột phá phát triển du lịch cũng khởi phát từ đây. Đất Mũi với lợi thế là điểm đến có sức hút hàng đầu tại Cà Mau, đã được hoạch định phát triển dài hạn, có đủ nền tảng, sức cạnh tranh với bất kỳ nơi đâu".
Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và một phần nhỏ thuộc huyện Năm Căn, có diện tích khoảng 20.100 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển có diện tích 2.100 ha.
Cung cách phục vụ du lịch, đội ngũ nhân lực du lịch Đất Mũi đang ngày càng chuyên nghiệp hóa, sẵn sàng tiếp cận với những thị trường khách du lịch khó tính nhất. Song hành với đó là chiến lược quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Đất Mũi đang được triển khai bài bản. Cà Mau cũng dần đưa các sản vật, đặc sản mang thương hiệu Cà Mau trở thành "vũ khí" chiến lược nhằm nâng cao chuỗi giá trị của hoạt động du lịch. Đặc biệt, mô hình homestay tại ấp Cồn Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) được đánh giá có hiệu ứng tích cực khi đi vào hoạt động. Lượng khách đến đây ngày càng đông, nhất là ở các hộ ông Trần Văn Hướng và Nguyễn Văn Nhuần. Bởi 2 hộ này tổ chức được các dịch vụ theo đúng chất homestay, như: bắt cua, mò sò, đi tham quan bãi bồi, đờn ca tài tử…
"Trong này chưa có đường bộ. Khách ngoài khu Đất Mũi cũng chưa kết nối với khu vực này nhiều, chủ yếu là do mình tự tạo mối quan hệ nên cũng khó lắm" - ông Nguyễn Văn Nhuần trăn trở.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, ngành du lịch Cà Mau dự kiến đón 1.660.000 lượt khách, tăng hơn 10% so với năm 2018, trong đó khách quốc tế là 28.000 lượt, doanh thu phấn đấu đạt 2.420 tỉ đồng. Công suất sử dụng phòng đạt từ 68% trở lên. Chỉ tiêu này có thể đạt được bởi trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành du lịch địa phương đã thu hút hơn 816.000 lượt du khách đến tham quan và lưu trú. Trong đó, lượng du khách quốc tế là gần 16.000 lượt, doanh thu hơn 1.300 tỉ đồng.
Thay đổi tư duy
"Một vấn đề mà du lịch Cà Mau đang tập trung hướng tới đó là huy động được nguồn lực, sự đóng góp của người dân trong lĩnh vực du lịch. Người dân tham gia, hưởng lợi và phát triển kinh tế nhờ du lịch. Để thực hiện được điều này, cần thay đổi về tư duy, nắm bắt cơ hội, tham gia vào thị trường du lịch như một thành phần quan trọng, chuyên nghiệp" - ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)