Tại địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, sông Quây Sơn tạo ra thắng cảnh thác Bản Giốc đẹp không còn mỹ từ nào để mô tả. Từ thác Bản Giốc, chúng tôi quyết định lang thang lên xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh) để ngắm nơi dòng sông chảy vào đất Việt.
Dòng Quây Sơn uốn lượn giữa cánh đồng xanh mướt
Ghềnh nước tung bọt trắng xóa
Trừ những ngày có mưa lớn, quanh năm nước Quây Sơn xanh màu ngọc bích
Theo dòng sông biên cương
Sông Quây Sơn khởi thủy từ Trung Quốc, chảy vào nước ta ở bản Nà Giào, xã Ngọc Côn. Một miền sơn cước đẹp bình dị hiện ra trên cung đường men bờ sông từ xã Ngọc Côn về xã Phong Nậm. Thỉnh thoảng đi qua một con đập tràn, mấy bạn trẻ không kìm nổi phấn kích đã vội dừng xe, lội xuống dòng sông té nước, đùa nghịch.
Chúng tôi tìm lên một mỏm núi ở xã Phong Nậm để được ngắm trọn cảnh sông nước, núi non. Từ trên cao, Quây Sơn hiền hòa uốn mình quanh những thửa lúa xanh mướt, những ngôi nhà yên bình. Xa xa, dải núi đá vôi trùng điệp chạy tít tận chân trời.
Trừ những ngày có mưa lớn kéo dài, nước sông Quây Sơn quanh năm xanh màu ngọc bích. Thỉnh thoảng tôi lại thấy vài chiếc bè mảng của ngư dân đi đánh cá lạc lõng, cô liêu trên màu xanh mênh mang.
Đến xã Đàm Thủy, sông tạo ra thác Bản Giốc hùng vĩ
Mải miết đi theo dòng chảy của sông từ bản này sang xóm khác, tôi chợt nhận ra một nét "rất Việt" ở đôi bờ. Những khóm tre, khóm vầu từ ngàn đời đã mọc kín bên hai bờ sông. Tre, vầu giúp giữ đất ruộng, tạo bóng mát cho bà con nghỉ chân và đưa gió mát theo tiếng ru hời của những bà mẹ miền sơn cước.
Theo dòng sông, chẳng mấy chốc chúng tôi đã về tới huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng). Ở huyện Hạ Lang, sông Quây Sơn thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có lúc sông uốn sang đất Trung rồi lại lượn về nước Việt. Đoạn sông dài 49 km trên nước ta được xem là đẹp nhất. Đến cửa khẩu Lý Vạn, sông chính thức kết thúc hành trình mang tên Việt Nam.
Chèo thuyền ngoạn cảnh
Để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cái "sướng tới bến" khi du ngoạn sông Quây Sơn, một số bạn trẻ chèo thuyền kayak hoặc ván sup. Tại khu vực sông Quây Sơn cũng có một số điểm cho thuê kayak, sup. Chèo kayak hoặc sup là cách trải nghiệm du lịch tuyệt vời để ta cảm nhận được trọn vẹn thiên nhiên.
Nhóm du khách khởi động trước khi du ngoạn Quây Sơn bằng thuyền kayak
Để chèo thuyền kayak du ngoạn sông Quây Sơn, du khách phải đi nhóm có người dẫn đoàn, có thiết bị bảo hộ, cứu hộ... Theo bạn Nguyễn Hải (nhóm kayak Quảng Ninh), từng dẫn nhiều nhóm du khách chèo thuyền trên sông Quây Sơn, cho biết: "Mọi người chỉ được chèo đoạn sông khoảng 6-10 km, có thể từ thác Bản Giốc tới Đồn Biên phòng Đàm Thủy hoặc vài cung đường khác như: bản Kéo Nà - bản Dít, Háng Thoang - bản Dít, Thoong Cót - bản Dít.
Ở một con đập tràn, sau những màn khởi động trên bờ để có đôi tay khỏe mạnh, dẻo dai, những chiếc kayak cùng chủ nhân bắt đầu hạ thủy. "Cho tay chân làm quen với dòng nước vài phút trước khi chèo sẽ giúp ta đỡ ngộp hơn khi chính thức ngồi xuống thuyền" - Phương Thủy, người đã đam mê chèo kayak 4 năm ở Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm.
Cùng Kayak lang thang, vi vu theo dòng nước
Chiếc Kayak vượt một ghềnh nhỏ trên sông
Ngồi xuống thuyền, dòng Quây Sơn bắt đầu hiện ra đẹp choáng ngợp mà khi dạo bộ trên bờ bạn không thể cảm nhận được. Khi đó, những khóm tre, bờ ruộng, dải núi hiện ra thật gần gũi. Bồng bềnh trên dòng nước xanh thẳm, giữa không gian mênh mông, không vương tí bụi bặm, tâm hồn và mọi giác quan trên cơ thể ta như tan ra, trở về cõi hồng hoang.
Đặc biệt, đoạn sông từ xã Phong Nậm về Đàm Thủy có nhiều ghềnh. Mỗi khi chiếc kayak vượt ghềnh là ta được một lần thử cảm giác mạnh. Người chèo quen thì phấn khích, ai mới nhập môn lại sợ hãi. Từ thượng nguồn vượt qua 6-7 cái ghềnh, nếu như không có đập tràn ngăn lại thì người cùng thuyền sẽ lao thẳng xuống thác Bản Giốc.
Nhiều bạn sau khi chèo kayak, sup trên sông Quây Sơn có cảm nhận chung là trên cả tuyệt vời. Nếu có dịp đến với Cao Bằng, bạn hãy một lần tự tay mình khua mái chèo vi vu trên dòng sông đẹp nhất vùng Đông Bắc này nhé!
Bình luận (0)