Hai anh em lội bì bõm hết cánh đồng này sang cánh đồng khác. Cứ hễ thấy tiếng kêu gần đấy, soi đèn pin thấy hai con mắt đỏ ké thì phóng mũi chĩa vào hoặc gần thì dùng tay chụp lấy. Gần 21 giờ, khi giỏ đã đầy ắp, anh em tôi về, không quên hái vài nhánh lá cách, một trái dừa khô.
Để làm món này, đòi hỏi phải là ếch đồng mới ngon vì thịt ếch đồng thơm, ngọt, săn chắc trong khi thịt ếch nuôi tanh, nhạt, nhão nhoẹt. Muốn phân biệt được ếch đồng với ếch nuôi không khó mấy. Ếch đồng eo thon, dài, không tròn trịa như ếch nuôi. Da ếch đồng đen sẫm, còn ếch nuôi da sáng, nhạt. Đặc biệt, thịt ếch đồng khi làm ra có màu đỏ chứ không trắng đục như ếch nuôi.
Khi hai anh em tôi mang giỏ ếch về, mẹ tỉ mẩn ngồi lựa từng con. Chú ếch nào to, mẹ để mai ra chợ bán, con nhỏ thì để làm món ếch um lá cách. Rồi mẹ lại mang dừa khô đi nạo để làm nước cốt và sơ chế những thứ lặt vặt khác.
Ếch đồng vốn rất sạch nên khi làm chỉ cắt đầu, bỏ móng chân, rút ruột, còn da thì giữ nguyên. Chặt thịt ếch thành từng miếng vừa ăn rồi ướp với bột nghệ, muối, đường, cùng với sả và tỏi đã băm nhuyễn chừng 15 phút. Lá cách lặt lấy phần lá non rồi xắt nhuyễn.
Khi công đoạn chuẩn bị đâu vào đấy, mẹ bắc chảo lên bếp cùng với một ít dầu ăn. Chảo nóng, mẹ rắc tỏi băm nhuyễn vào phi đến khi vàng, thơm thì cho thịt ếch vào xào thật săn. Tiếp đến, mẹ rưới nước cốt dừa vào, cho lửa liu riu để ếch thấm nước cốt. Cuối cùng, mẹ cho lá cách vào đảo đều trong vòng 1 phút thì nêm nếm lại một lần nữa rồi tắt bếp. Do biết tính "đỏng đảnh" của lá cách nên mẹ không để quá lâu vì sẽ ngả màu đen và hơi đắng. Món ăn hoàn tất, mẹ gắp ra đĩa và mang lên bàn - nơi có 3 thành viên đang ngồi hóng đến nao cả ruột.
Trong không khí thu se lạnh, dùng thịt ếch đồng um lá cách với chén cơm nóng hay ly rượu đế chính gốc thì còn gì bằng. Đừng quên húp một muỗng nước cốt, bởi tất cả tinh túy của món ăn nằm trong đó: vị the của lá cách, béo của nước cốt dừa, cay của sả - ớt, ngọt đậm đà của ếch đồng.
Bình luận (0)