Vĩnh Sơn là xã nằm cao nhất, phía Tây Bắc của huyện Vĩnh Thạnh, giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Xã vùng cao này cách Quy Nhơn hơn 100 km, từ thị trấn Vĩnh Thạnh lên Vĩnh Sơn phải vượt qua hơn 40 km đường đèo dốc.
Thành đá Tà Kơn
Thành đá giữa rừng già
Điều đầu tiên ở vùng đất xa xôi này gây sự tò mò với tôi là "thành đá cổ Tà Kơn" - chỉ vỏn vẹn có mấy từ đó. Một số người bạn ở Quy Nhơn đã đi thì chỉ nói: cứ đến đó sẽ biết.
Thành đá nằm trong rừng, cách đường chính khoảng 4 km, lối rẽ vào không có một thông tin chỉ dẫn nào, chỉ là một con đường đất - như rất nhiều những con đường đất khác - rẽ vào rừng. Nếu không nhờ có tọa độ GPS được những người đi trước chia sẻ thì chúng tôi buộc phải tìm người dân địa phương nhờ dẫn đường.
Con đường phủ đầy lá mục, chỉ rộng chừng 0,8 m. Bạn đường của tôi là một thanh niên trẻ măng rất ưa khám phá. Do có chút kinh nghiệm đi rừng nên chúng tôi tự tin chạy xe máy vào. Đúng là sau 4 km, thành đá Tà Kơn bất ngờ hiện ra.
Theo ngôn ngữ của người Bahnar, "Tà Kơn" có nghĩa là "chồng lên nhau". Ban đầu, tôi cứ ngỡ đây là di tích một tòa thành cổ bằng đá nhưng có lẽ chữ "thành" ở đây mang ý nghĩa của vách đá thì hợp lý hơn, bởi thành đá là những khối đá hình lăng trụ chồng khít lên nhau, kéo dài. Bức tường đá còn lại kéo dài khoảng hơn trăm mét, dốc theo triền núi.
Nhìn bức tường thành bằng đá hùng vĩ giữa rừng già, hình dung lại những trận chiến bảo vệ căn cứ địa của người Bhanar có thể từng xảy ra nơi đây, bây giờ tất cả lại chìm trong im lặng và rêu phong của rừng già, chợt thấy nao lòng. Thiên nhiên cho con người nhiều thứ và cũng lấy đi, che phủ lên nhiều di tích của con người rất nhanh chóng.
Anh Thi bên những cây đào Bắc đã bắt đầu ra hoa lác đác
Sắc Xuân về trên đất Vĩnh Sơn
Tôi còn được bạn bè ở Quy Nhơn "rỉ tai" rằng trên Vĩnh Sơn có hoa đào Bắc. Việc hoa đào Bắc đã có ở một số địa điểm du lịch khí hậu phù hợp như Đà Lạt hay Măng Đen thì bình thường nhưng đào Bắc xuất hiện ở Vĩnh Sơn là điều gây ngạc nhiên.
Từ thành đá Tà Kơn trở ra đi tiếp vào trung tâm xã, ngay một khu đất trống - như một công viên nhỏ xíu - ở ngã ba trước cổng UBND xã Vĩnh Sơn, chúng tôi bắt gặp mấy cây đào Bắc điểm xuyết một vài bông đã nở, rung rinh trong gió lạnh với rất nhiều nụ trên cành.
Thấy tôi loay hoay chụp những bông hoa đào hồng thắm ít ỏi tại đây, mấy cậu bé vừa từ trường tiểu học cạnh đó tan học đi ngang qua bèn mách: "Chú đi thêm chút nữa qua thôn K3 có nhiều đào lắm".
Theo chỉ dẫn của bọn trẻ, tôi chạy qua đập nước của hồ Vĩnh Sơn A ngay ngã ba, rẽ trái vài trăm mét thì bắt gặp bên đường một vườn đào trong khuôn viên trạm quản lý và bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn.
Ở đây, đào được trồng thành luống đều đặn và hoa nhiều hơn ở công viên trung tâm xã, có lẽ do được chăm sóc thường xuyên hơn.
Chúng tôi gặp anh Thi - cán bộ của Công ty Sông Kôn - đang tỉa lá trong vườn đào. Khi biết tôi từ TP HCM ra Quy Nhơn và chạy xe máy từ Quy Nhơn vượt đèo núi lên tận đây tìm vườn đào Bắc, anh Thi vô cùng ngạc nhiên và rất nhiệt tình giới thiệu.
Anh cho biết đơn vị mình trồng thử nghiệm đào Nhật Bản và đào Nhật Tân tại Vĩnh Sơn đã gần 2 năm. Cây đã "chịu đất" và sống tốt nhưng hy vọng phải thêm 1-2 năm nữa hoa mới nhiều và đẹp. "Đào ta thì đã có hoa lác đác từ Tết năm ngoái, năm nay sẽ nhiều hơn một chút. Còn đào Nhật thì hy vọng Tết sang năm sẽ có hoa" - anh Thi chia sẻ.
Chúng tôi đứng giữa vườn đào trong gió lạnh và mưa lất phất. Dù vậy, nhìn những nụ hoa đào hồng thắm mỏng manh rung rinh trong gió, bỗng cảm nhận được không khí ấm áp của mùa Xuân đang về trên mảnh đất vùng cao này.
Mùa Xuân thật kỳ diệu và sức sống của nó đem lại cho muôn hoa cũng thật tuyệt diệu làm sao! Chỉ nay mai thôi, vườn đào Vĩnh Sơn này sẽ nở rộ một màu hồng thắm rực rỡ, rồi không chỉ vườn đào này, cây hoa đào Bắc sẽ được nhân rộng khắp vùng đất Vĩnh Sơn. Khi đó, mảnh đất này sẽ trở thành một địa điểm du lịch thu hút du khách nhờ sắc hồng của hoa đào Bắc mỗi mùa Xuân về, cùng với những thành đá cổ Tà Kơn, thác Hang Dơi, thác Lơ Pin... Và đời sống còn nhiều khó khăn của cư dân nơi đây sẽ được cải thiện khi mảnh đất này trở mình thức giấc.
Rời Vĩnh Sơn trong gió lạnh cuối đông của vùng cao, tôi cảm thấy rất vui vì chuyến đi. Hy vọng không lâu nữa, hoa đào mùa Xuân sẽ đưa nhiều du khách đến với đất Vĩnh Sơn.
Bình luận (0)