Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã lựa chọn "Di sản - Nguồn lực của du lịch Việt Nam" làm chủ đề chính của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM 2020) - hội chợ du lịch lớn nhất trong năm của du lịch Việt diễn ra từ ngày 1 đến 4-4 tại TP Hà Nội. Tại cuộc họp báo ngày 9-1 tại TP Hà Nội, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ mong muốn thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp (DN) làm du lịch về vai trò của di sản đối với tương lai phát triển của ngành du lịch.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định sự phong phú, hấp dẫn của các di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa quốc gia, là cơ sở để thu hút khách du lịch. Do đặc điểm khí hậu, lịch sử và việc khai thác không đúng mức, một số di sản đã xuống cấp và hư hại. Ngoài ra, điều kiện eo hẹp của ngân sách nhà nước dành cho việc tôn tạo và bảo tồn các di sản khiến nhiều di sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức để phát huy hết tiềm năng.
Du khách thích thú trước vẻ đẹp của di sản Tràng An - Ninh Bình
Nói thêm về tình trạng khai thác di sản dẫn đến quá tải như đã từng xảy ra ở Ninh Bình, ông Vũ Thế Bình cho rằng chủ trương chính sách luôn khẳng định bảo vệ di sản nhưng thực tế thì không như ta mong muốn. Nhiều nơi, nhiều di sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị khai thác quá mức, bị hoang phế hoặc chưa được khai thác. "Liệu chúng ta đã thực sự tôn trọng di sản chưa? Chúng ta ồ ạt xây dựng các khu đô thị mới, các khu bất động sản, lấn cả sang khu vực di sản. Hà Giang là một ví dụ điển hình. Chúng ta tôn trọng di sản thiên nhiên Công viên Địa chất toàn cầu Đồng Văn nhưng cũng sẵn sàng để cho xây một tòa nhà Mã Pì Lèng Panorama. Chúng ta có thể xây được nếu có một thiết kế nghiêm chỉnh, hài hòa, nếu chúng ta trao đổi ý kiến rộng rãi bởi nếu xây không đàng hoàng, sẽ có hàng chục tòa nhà tương tự mọc lên. Đó là dấu hiệu phá hoại của cả khu vực đó. Hay là việc xây chùa trên Lũng Cú cũng tương tự như vậy" - ông Bình bức xúc.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng dù di sản là chuyện rất cũ nhưng phải đưa thành một vấn đề để mọi người thảo luận xem vai trò của di sản quan trọng như thế nào. Chính vì thế, diễn đàn "Di sản - Nguồn lực phát triển của du lịch Việt Nam" sẽ được Ban Kinh tế trung ương và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đồng tổ chức ngày 2-4 trong khuôn khổ hội chợ với sự tham gia của 500 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, DN du lịch và các cơ sở đào tạo du lịch trong cả nước.
Theo các chuyên gia du lịch, du lịch sống được là nhờ đặc thù của văn hóa dân tộc. Khi đưa văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch thì nó không bị phá hủy nữa bởi vì đã gắn với đời sống, với quyền lợi của người dân. Giữa bất động sản và du lịch đang xâm lấn, xây nhà để bán không nhất thiết phải xây cạnh bờ biển, nơi mà đáng lẽ phải dành cho du lịch.
"10-20 năm nữa, khi du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn, chiếm 20% GDP của đất nước thì chúng ta lấy gì cho khách du lịch xem? Chúng ta đang đón 18 triệu rồi sẽ đến 20-25-30 triệu khách, chúng ta lấy gì cho họ xem. Chả lẽ họ xếp hàng đến xem mấy ngôi chùa mà chúng ta may còn giữ được. Vấn đề đã rất đáng báo động rồi, phải giữ lại tài nguyên cho tương lai. Phải phát động phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản" - ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Tràn ngập vé máy bay, tour giá rẻ
VITM Hà Nội 2020 có quy mô 505 gian hàng, hiện có 85% gian hàng đã được đăng ký. Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, đến hết ngày 1-1, VITM Hà Nội 2020 nhận được đăng ký tham gia của các DN, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch đến từ 45 tỉnh, thành trong cả nước và từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
VITM Hà Nội 2020 tiếp tục là sự kiện kích cầu du lịch lớn nhất trong năm. Dự kiến sẽ có trên 100.000 vé máy bay giá rẻ, trên 18.000 tour trọn gói, trên 15.000 voucher giảm giá đặc biệt tới 50% và hàng chục ngàn phần quà hấp dẫn sẽ được chào bán và cung cấp tại VITM Hà Nội 2020. Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng sẽ tổ chức chương trình kết nối giữa các DN du lịch Việt Nam và các DN lữ hành quốc tế trong khuôn khổ VITM 2020 vào ngày 2-4.
Bình luận (0)