Theo đó, cột mốc số 0 của Hà Nội phải là công trình điểm nhấn không chỉ của thủ đô mà còn của cả nước, là địa điểm thu hút du khách. Do vậy, phương án kiến trúc phải có tính thẩm mỹ cao, độc đáo, phù hợp với thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nhiều chuyên gia cho biết cột mốc số 0 là không gian kiến trúc đã được nhiều nước trên thế giới xây dựng, hầu hết đều gắn với không gian cộng đồng ở thủ đô. Vì vậy, cột mốc số 0 không chỉ quảng bá truyền thống lịch sử, tôn vinh địa danh nơi đặt cột mốc mà còn là một điểm du lịch thú vị để du khách đến chụp ảnh lưu niệm.
Từ năm 2009 và 2012, PGS-TS Hà Đình Đức đã đề xuất xây dựng cột mốc số 0 tại khu vực hồ Gươm. Năm 2017, TP Hà Nội cũng đề cập việc này trong dự án chỉnh trang khu vực hồ Gươm. Năm 2018, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn khẳng định việc cần thiết xây dựng cột mốc số 0 của Hà Nội, đồng thời thống nhất đề xuất vị trí đặt cột mốc số 0 tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay công trình này vẫn chưa được triển khai.
Vị trí dự kiến xây dựng cột mốc số 0 ở Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng cột mốc số 0 là một công trình dấu ấn mà Hà Nội cần quan tâm. Khi công trình này được đặt tại khu vực hồ Gươm sẽ nâng tầm và khẳng định vị thế thủ đô đối với cả nước.
Trong khi đó, ngay sau khi Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch nội địa, các điểm đến, di tích ở Hà Nội đã đồng loạt mở cửa từ ngày 14-5 sau thời gian dài đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, đồng thời triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã điều chỉnh lại kế hoạch, nâng cao chất lượng các hoạt động đón khách. Các di tích khác như nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long cũng giới thiệu nhiều hoạt động trải nghiệm mới ngay khi mở cửa trở lại. Những khu du lịch ở ngoại thành Hà Nội như: làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm… sẽ đẩy mạnh du lịch thông minh, nâng cao sự kết nối giữa các điểm đến.
Sở Du lịch Hà Nội cho hay để thu hút du khách, bên cạnh du lịch di sản, TP sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề, sinh thái, nông trại. Nhiều công ty du lịch tại Hà Nội đã tung ra chùm tour kích cầu nội địa trọn gói với giá rẻ, nhằm khuyến khích "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Phát triển kinh tế về ban đêm
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, xem xét, phát triển 10 dự án khác, như: cải tạo, chỉnh trang một số công trình có tính chất điểm nhấn xung quanh hồ Hoàn Kiếm; có phương án cải tạo khu vực đền vua Lê và cảnh quan xung quanh; sớm thống nhất phương án quy hoạch, kiến trúc nhà ga ngầm C9 và không gian, cảnh quan xung quanh... Đồng thời, tiếp tục chú trọng phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, nhất là phát triển lĩnh vực kinh tế về ban đêm theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững các không gian tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Giấy, chợ đêm Đồng Xuân ...
Bình luận (0)