TP HCM không thiếu hàng cháo, từ cháo lòng đến cháo gà, cháo má heo, cháo vịt... Nhưng cháo sườn thì ít hơn, kiếm được một quán cháo lâu năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ vì vậy mà quán chào sườn gần nửa thế kỷ của bà Hào (109/15 Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1, TP HCM) luôn nườm nượp khách.
Bà Nguyễn Thị Hào (67 tuổi) là người Thái Bình, lấy chồng rồi vào Nam. Mẹ chồng bà Hào bán cháo rồi truyền nghề lại cho bà. Những ngày đầu học việc, bà bị mẹ chồng chê vụng về. Ấy vậy mà chẳng lâu sau đó, gánh cháo của bà Hào được nhiều người tìm đến. Chỉ trong 2 giờ, bà đã bán cạn sạch 2 nồi cháo lớn. "Chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng thì lâu, chứ gánh ra bán một vòng là hết sạch. Cực thì có cực, mà cứ khách khen là mình vui và hết mệt liền!" - bà Hào tâm sự.
Sau nhiều năm, bà Hào có nhiều khách quen, nhiều người "kết" món cháo của bà tìm đến tận nhà nên bà mở quán luôn. Quán có vỏn vẹn gần chục bộ bàn ghế nhựa bày sát lề đường, 7 nhân viên (vừa người nhà vừa người làm thuê) thay phiên nhau chạy bàn, múc cháo, giữ xe. Thế là cứ nhá nhem tối, con hẻm 109 Trần Khắc Chân lại nhộn nhịp.
Bán cháo từ cái thời còn 5 xu một bát, sau gần nửa thế kỷ, trải qua nhiều giai đoạn đổi thay, bát cháo bà Hào có giá 30.000 đồng và được khen ngợi là xứng đáng đồng tiền.
Vẫn giữ nguyên hương vị quê Bắc, bát cháo của quán bà Hào nóng hổi, sền sệt cùng với hành, ớt, gừng… hòa quyện với nhau, tạo nên hương vị vô cùng tuyệt vời. Thời gian đầu, quán chỉ bán đúng món cháo sườn ăn kèm với xíu mại. Bây giờ, thực đơn đã có hơn 10 món: bao tử, gan, phèo, trứng bắc thảo, mực, da heo.
Món ăn còn được phục vụ kèm với quẩy cho khách có nhu cầu. Đặc biệt, quẩy sau khi chiên sẽ được nướng lại nên rất giòn và ít dầu hơn bình thường. Ăn kèm với nước mắm ớt rất lạ miệng.
Chia sẻ về bí kíp của mình, bà Hào cho biết: "Cháo từ gạo xay với nước xương, sườn, ninh 2-3 giờ mới ra được món cháo nhừ tơi, bung hạt, nêm nếm cũng bằng gia vị, nước mắm chứ tuyệt không bỏ đường".
Từng chi tiết ở quán cũng tạo thiện cảm cho mọi người xung quanh. Tờ giấy nhỏ, dán tại quán với dòng chữ "xin quý khách vui lòng giữ yên lặng để hàng xóm nghỉ ngơi" khiến nhiều người thấy thú vị. Và rồi chẳng ai bảo ai, dù dở câu chuyện đâu đó thì khi ghé quán vào đêm khuya hay rạng sáng, họ cũng chỉ chào nhau, rồi hòa vào không gian yên tĩnh, ung dung thưởng thức bát cháo nóng.
Gần nửa thế kỷ gắn với nghề, bà Hào không còn nhanh nhẹn như trước, thêm vào đó là những căn bệnh tuổi già. Gánh cháo sườn dần chuyển giao cho người con dâu phụ trách nấu. Một thế hệ nữa lại nối nghề, vẫn địa điểm đó, vẫn hương vị đó. Cháo sườn bà Hào vẫn chưa bao giờ làm thực khách thất vọng.
Bình luận (0)