Tại hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ diễn ra vào chiều 28-6 do UBND TP HCM phối hợp tỉnh Tây Ninh tổ chức, TP HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025 và thông qua kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2021.
Viên ngọc thô cần "thợ giũa" xứng tầm
Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, thông tin trong năm 2019, vùng Đông Nam Bộ đã đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ; doanh thu 7,1 tỉ USD. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách quốc tế đến với vùng chỉ đạt 1,7 triệu lượt, giảm 65% so với cùng kỳ.
Dù vậy, người đứng đầu chính quyền TP HCM đánh giá vùng Đông Nam Bộ vẫn còn tiềm năng rất lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh... Ông Nguyễn Thành Phong dẫn chứng: "Chúng ta có bờ biển đẹp, nước trong tại Bà Rịa - Vũng Tàu; quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng ở núi Bà Đen, núi Bà Rá, núi Dinh, núi Chứa Chan…; tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với hệ thống sông, hồ như sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hồ Thác Mơ…; tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với khu dự trữ sinh quyển - rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, hệ thống Vườn Quốc gia Cát Tiên, Vườn Quốc gia Côn Đảo, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát…".
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP, du lịch Đông Nam Bộ vẫn đang là "viên ngọc thô" và rất cần một "thợ giũa" xứng tầm. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cần không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch; xây dựng dịch vụ du lịch thông minh; chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Rất vui mừng khi tham gia ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch, lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam Bộ cũng như các doanh nghiệp (DN) du lịch lớn đã đưa ra nhiều sáng kiến, kế hoạch để phát triển du lịch địa phương trong bối cảnh liên kết toàn vùng.
Liệt kê hàng loạt điểm đến hấp dẫn như khu bảo tồn văn hóa, dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá, trảng cỏ Bàu Lạch…, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy du lịch tỉnh nhà và bày tỏ: "Bình Phước mời các tổ chức, cá nhân quan tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh; những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư du lịch của tỉnh chắc chắn sẽ là môi trường thuận lợi nhất để DN làm ăn".
Từ góc độ DN, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho rằng du lịch Đông Nam Bộ còn nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển nhiều mặt trên cơ sở liên kết với TP HCM. Từ đó, ông Tài cam kết Saigontourist Group sẽ tích cực hỗ trợ ngành du lịch Đông Nam Bộ nâng cấp những sản phẩm hiện có, xây dựng mới sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh quảng bá cũng như tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho vùng.
Bày tỏ sự tiếc nuối khi các địa phương chưa dẫn dắt được dòng khách rất lớn từ TP HCM tỏa đi khắp miền Đông Nam Bộ, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun World (Sun Group), chỉ ra nguyên nhân là do chưa có sự liên kết. Tuy nhiên, bà tin tưởng và kỳ vọng sự phát triển du lịch của vùng thời gian tới nhờ các chính sách kích cầu. "Chỉ riêng khu du lịch Núi Bà Đen của Tây Ninh, với chương trình kích cầu giảm giá vé cáp treo sâu cho người dân Tây Ninh và du khách toàn quốc, chúng tôi đã đón 84.682 lượt khách trong tháng 5, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2019" - bà Nguyện dẫn chứng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ tư từ trái sang), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ trái sang) và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (giữa) tham quan bản đồ du lịch 360 độ của TP HCM tại hội nghị. Ảnh: QUANG LIÊM
Đoàn kết sẽ phát triển
Dự hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - đánh giá sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ diễn ra trong bối cảnh TP HCM vừa liên kết với 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tạo nên thế và lực mới cho sự phát triển du lịch phía Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Nhấn mạnh "đoàn kết" sẽ làm nên việc lớn, Bí thư Thành ủy TP cho rằng việc hợp tác liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ cần tập trung vào 5 vấn đề chính: Phát triển sản phẩm du lịch có sự liên kết vùng miền, trong đó phát huy những nét đặc sắc riêng của từng địa phương; có kế hoạch hợp tác trong tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch; liên kết hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch; hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch và tạo điều kiện để DN du lịch có môi trường gặp gỡ, hợp tác lẫn nhau. Trong đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh vai trò của TP HCM trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như tạo đầu mối để liên kết du lịch toàn vùng.
Đánh giá cao sự chủ động của các địa phương vùng Đông Nam Bộ trong việc liên kết du lịch, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lưu ý một số hạn chế mà chủ yếu là việc liên kết nhiều nơi còn mang tính hình thức, không đi vào thực tế hoặc có thực hiện nhưng thiếu tính dài hạn. "Chúng ta đang trong kỷ nguyên số nhưng còn thiếu cơ sở dữ liệu theo vùng để hỗ trợ việc thực hiện liên kết" - ông Tùng nói thêm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mà còn là kênh giao lưu của người dân; qua đó phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa, giúp xóa đói giảm nghèo. "Chúng ta làm du lịch và du lịch lấy người dân làm trung tâm sẽ ra nhiều giải pháp, tương tự như chống dịch Covid-19 lấy người dân làm trung tâm vậy" - Phó Thủ tướng ví von và đề nghị các địa phương phải làm sao cho người dân thấy rằng làm du lịch là giúp giảm nghèo; mang giá trị quê hương, dân tộc mình ra thế giới và được tiếp xúc với văn minh thế giới ngay ở nơi mình đang sống.
Cho rằng vùng Đông Nam Bộ còn rất nhiều nơi hoang sơ, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư có tâm và có tầm làm sao giữ được cái hoang sơ độc đáo của thiên nhiên, văn hóa mà vẫn thấy nó không lạc hậu. "Nếu chưa chắc thì chuẩn bị kỹ hơn, đến khi chắc hãy làm" - Phó Thủ tướng lưu ý và tin tưởng với sự hợp tác giữa các địa phương, chính quyền với DN cùng kêu gọi người dân tham gia, ngành du lịch sẽ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn này.
Đề nghị mở cửa lại du lịch có chọn lọc
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn có một số nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh. "Kiến nghị mở cửa lại du lịch được không?" - ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề, đồng thời nói dịch bệnh trên thực tế vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng không đồng đều. Nhiều nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt được dịch bệnh như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Lào, Thái Lan... Vì vậy, chúng ta không thể chờ dịch bệnh kết thúc hoàn toàn trên thế giới mới mở cửa lại.
"Cần vừa thúc đẩy du lịch nội địa vừa mở lại du lịch nước ngoài có chọn lọc đối với những nước đã an toàn" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Bình luận (0)