Vigan là thủ phủ của tỉnh Llocos Sur, do chính quyền thực dân Tây Ban Nha khai phá và xây dựng vào năm 1572 nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và quản lý của tầng lớp thượng lưu. Dưới sự thống trị của người Tây Ban Nha, Vigan hiện lên với đầy đủ nét văn hóa và kiến trúc đặc trưng của nền văn minh đến từ xứ sở của chàng kỵ sĩ Don Quixote.
Trải qua hơn 4 thế kỷ, Vigan đã ít nhiều thay đổi khi chỉ còn lại khoảng 150 ngôi nhà bằng đá và một số di tích lịch sử. Nhưng tựu trung, sự giao thoa giữa văn hóa, cảnh quan kiến trúc châu Âu và châu Á là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp độc đáo và hài hòa nơi thị trấn cổ này.
Năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận thị trấn Vigan là Di sản văn hóa thế giới
Đến Vigan vào một đêm mưa, phố xá im lìm dưới làn mưa khiến lòng kẻ lữ thứ ít nhiều chùng xuống. Nhưng sáng hôm sau, vừa bước ra đường, tôi nghe tim mình ấm lại khi thấy người qua kẻ lại mua bán tấp nập; những cửa hàng, cửa hiệu đêm qua im lìm, tĩnh lặng thì đã bừng sáng trong ánh mặt trời. Hàng thủ công nhiều màu sắc được mang ra bày trên vỉa hè gọi chào khách muôn phương. Tiếng vó ngựa lộc cộc xuống đường gạch đá, tiếng chim hót líu lo chuyền cành, tiếng leng keng chuông báo. Tất cả quyện lại thành một màn hòa âm vô cùng đặc sắc cho khu cổ thành.
Trục đường chính của cả khu phố là Calle Crisologo - như dòng sông cái để từ đó các nhánh sông con tỏa ra khắp nơi, dẫn lối du khách tới dấu tích thời gian. Từ đây, bạn có thể ghé thăm những điểm công cộng điển hình ở Vigan như nhà thờ Công giáo St. Paul, tòa thị chính, khách sạn Luna… Hầu hết đã được tu sửa lại nhiều lần do tác động không nhỏ của chiến tranh, thời gian.
Một điều đặc biệt thú vị của Vigan là hầu hết những căn nhà trong khu phố cổ chỉ 2 tầng. Tầng 1 mang kiến trúc Tây Ban Nha đặc trưng với tường gạch và hoa văn châu Âu. Tầng 2 thường xây bằng gỗ tạo cảm giác thoáng đãng. Bên cạnh đó, mái ngói nghiêng đậm chất Á Đông và tất cả khung cửa sổ không phải bằng kim loại mà bằng vỏ sò lấp lánh.
Di chuyển bằng xe ngựa vòng quanh khu phố cổ cũng là trải nghiệm thú vị
Đồ ăn tại Vigan rất đa dạng, từ món bánh giống bánh xèo của Việt Nam có tên empanada, xúc xích longganisa, thịt quay bagnet hay món canh rau củ pinakbet của dân địa phương… Khi đã thấm mệt, hãy dừng chân bên những quán nhỏ yên ắng như Leona, thưởng thức ly cà phê gạo đặc trưng hay vị tươi mát của kem xoài, kem bơ với chi phí chưa đến 20.000 đồng/phần.
Màn đêm buông xuống, dưới ánh vàng của hàng đèn huyền ảo, cả khu phố như nàng Lọ Lem bừng sáng trong váy áo lộng lẫy. Nếu bạn đã quen với hình ảnh các thị trấn cổ của châu Âu trong ánh điện khuya, chốc chốc có tiếng lá xào xạc trong những bộ phim lãng mạn thì chính tại Vigan này, toàn bộ không gian đó được tái hiện. Dường như tôi đã quay ngược thời gian về thế kỷ XVI, giai đoạn rực rỡ của nền văn hóa Phục Hưng.
Người dân ra đường đông hơn, dường như ai cũng muốn hòa vào không khí lễ hội như trước kia nhà vua tổ chức cho dân chúng. Hàng quán đông đúc nhưng không ồn ã. Mọi người chẳng vội vàng gì, nhẩn nha cụng ly rượu vang đỏ, nghe nhạc công chơi đàn guitar hay cùng nhau nhảy điệu valse lãng mạn. Từng tiếng ngân của dây đàn vang lên là một lần trái tim rung động. Khung cảnh không khác gì trong những bộ phim hoạt hình Walt Disney mà tôi luôn mê mẩn.
"Ông cha chúng tôi thường chơi nhạc và nhảy múa. Một phần vì văn hóa cộng đồng, một phần vì âm nhạc sẽ giúp mọi người gắn bó và quên đi nỗi phiền muộn thường ngày. Nhiều khi chỉ cần nghe tiếng đàn guitar là tâm hồn thư thái trở lại" - Luzmila, cô lễ tân khách sạn nơi tôi ở, chia sẻ.
Chọn cho mình một góc thuận tiện, gọi món mì spaghetti theo kiểu Philippines và ngắm Vigan trong ánh đèn, bất giác tôi cũng thấy tâm hồn mình trở nên thư thái, bình yên kỳ lạ.
Đúng như những gì Luzmila đã nói, Vigan tuy không còn phồn hoa đô hội như những năm tháng thuộc địa nhưng ẩn sâu trong đó là dòng chảy thời gian, dòng chảy văn hóa vô cùng sâu sắc, là nét quyến rũ du khách gần xa. Tất cả là nhờ tình yêu nghệ thuật và trái tim của người dân nơi này vẫn luôn nhịp nhàng theo tiếng nhạc.
Bình luận (0)