Cồn Hô nổi trên dòng sông Cổ Chiên ở quãng qua xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Nghe nói cồn Hô tuy nhỏ mà chất chứa nhiều điều thú vị, đang được người dân chăm chút để mời gọi du khách, chúng tôi lên ghe sang đây. Chỉ cách bờ sông chưa tới 10 phút ngồi ghe máy, vậy mà cuộc sống bà con ở cồn Hô thật khác biệt với làng xóm bờ bên kia.
Cảnh bình dị trong những nhà vườn ở cồn Hô
Không xe cộ, hàng quán
Ghe cập bến trước nhà chị Ba Thu. Chị mang đĩa mứt dừa dẻo, mứt vỏ bưởi ra mời: "Mấy em ăn mứt, uống trà rồi từ từ đi chơi. Mứt nhà chị làm".
Cồn Hô không có một chiếc xe đạp chứ đừng nói đến xe máy. Đã 3 thế hệ nối tiếp sinh sống trên cồn, người dân chỉ toàn đi bộ. Trên các con đường nhỏ quanh cồn không có dấu bánh xe, chỉ có dấu chân chồng dấu chân từ năm này sang năm khác.
Chị Ba Thu nói cồn Hô trước đây rộng gần 30 ha, nhiều năm qua đất đầu cồn bị sạt lở nên hiện chỉ còn hơn 25 ha. Từng ấy đất chia ra 24 gia đình canh tác, từ nhà này qua nhà kia hầu như đi trong vườn, băng qua ruộng, qua mương nên mấy khi đi trên đường đất đâu mà cần xe.
Lời giải thích của chị Ba Thu khiến chúng tôi hình dung cuộc sống người dân ở đây thật an nhiên, chẳng chút bon chen thì phải! Muốn biết thì cất bước chân thôi.
Đi trên con đường đất hẹp quanh cồn, một bên sát mé sông Cổ Chiên, nhìn ra thấy ghe thuyền tới lui, một bên là nhà dân và những vườn cây ăn trái trĩu quả. Bà con mới được hướng dẫn làm du lịch mấy tháng nay nên con đường nhỏ gồ ghề ngày nào đã được đắp bằng phẳng hơn cho dễ đi.
Chị Ba Thu tiết lộ thêm một cái "không" nữa ở cồn Hô là không có hàng quán. Chúng tôi lấy làm lạ: "Vậy khi trong nhà không còn đồ dùng hay đồ ăn gì thì làm sao?". Chị Ba Thu giải thích: "Có 24 gia đình canh tác trên cồn nhưng chỉ 14 gia đình có nhà sinh sống tại chỗ, còn 10 gia đình thì ban ngày qua làm vườn, tối về nhà bên kia sông ngủ, đi qua lại chưa tới 10 phút. Mở quán thì bán chẳng được bao nhiêu. Mỗi ngày mình xuống ghe qua bờ đi chợ, chủ yếu mua đồ dùng, gia vị, mắm muối hay mua thêm thịt heo, thịt bò, rau củ quả nào mà mình không trồng".
Chị Ba Thu và cây bưởi da xanh trĩu quả
Nhiều món ngon
Với những "thánh ăn vặt", nghe không có hàng quán thì hơi buồn nhưng nỗi buồn nhanh chóng trôi qua vì từ nhà chị Ba Thu đi chừng 50 m đã thấy cổng nhà anh Tư Lập. Anh Tư đang sửa soạn cái nồi nấu rượu gạo, chị Tư mời chúng tôi vô nhà. 15 phút sau, chúng tôi còn đang ngắm nghía vườn rau xinh xinh, đàn vịt trong ao nhỏ thì chị Tư đã bưng ra một mẹt bánh chuối chiên nóng hổi.
Anh Tư Lập kể hồi xưa ông bà, cha mẹ trồng lúa, cỏ năn, thu nhập chỉ đủ sống. Sau này, đến đời anh chị, khoảng từ năm 1990, bớt làm lúa mà lên vườn trồng chuối, trồng dừa. Chuối xiêm, chuối sáp, chuối già, giống nào cũng tốt. Đặc biệt, chuối sáp cồn Hô rất ngon, trồng bao nhiêu thương lái cũng mua hết.
Miếng chuối chiên nóng chưa tan vị ngọt trong miệng, những bước chân tiếp tục đi trên con đường nhỏ, qua từng vườn bưởi, vườn cam, vườn chuối, vườn dừa nối tiếp nhau. Đất cồn Hô trồng cây ăn trái tốt quá, bà con nói không cần dùng thuốc, phân hóa học gì.
Cây quýt đường nhà anh Vũ Minh trái không lớn nhưng trái nào cũng thật ngọt; còn vườn cam, vườn bưởi da xanh thì trái nhìn mát mắt. Mua ngay một trái bưởi da xanh ăn thử, xong ai nấy đều đề nghị chủ nhà hái bán mang về. Chủ vườn không biết định giá bán lẻ thế nào bởi hồi nào giờ toàn bán cho thương lái, nhà có cân gì đâu mà biết 1 trái mấy ký. Tần ngần một hồi, anh quyết định bán đổ đồng 40.000 đồng/trái. Mê ngon mua xong, chợt nhớ không có xe đâu mà thồ hết ra bến ghe nên mỗi người chỉ dám lấy 3 - 4 trái.
Nhà anh Vũ Minh khéo bày cảnh trí bên bờ ao cho khách chụp vài tấm ảnh, khéo bày trò chơi vui cho khách. Mấy cái xích đu treo trên thân cây dừa cao chót vót đủ tạo cảm giác mạnh thú vị.
Đãi chúng tôi, chị Ba Thu đã làm món khai vị nem rồng và cà-ri vịt chuối sáp. Nem rồng thật ra là nem bưởi bày lên ăn kèm với khóm được xếp thành hình con rồng thật tinh tế. Thịt vịt nuôi thả chắc mà mềm, chuối sáp dẻo và ngọt. Cả thịt vịt và chuối sáp đều thấm vị cà-ri, nước cốt dừa, làm món cà-ri vịt chuối sáp ngon lạ.
Chị Ba Thu dặn: "Còn nhiều món ngon ở cồn Hô lắm. Lần sau đến báo trước, chị làm cho món cá phèn sông kho tộ, lẩu cá út nấu bần, cua đồng rang me, gỏi ngũ sắc, cá sửu muối sả ớt chiên".
Chia tay, người dân cồn Hô phụ chúng tôi mang mấy bao bưởi xuống ghe. Lỡ cộ thì cộ thêm chút nữa, quày chuối sáp chị Ba Thu đốn để làm món cà ri-vịt chuối sáp, mới xài có 2 nải chín bói, còn lại cả nhóm chia nhau mua luôn.
Rời cồn Hô, chúng tôi chỉ để lại những dấu giày dép, dấu chân, mang về những bức ảnh làng xóm bình dị mà thanh bình, trong trẻo đúng nghĩa: không khói, không tiếng ồn.
Bình luận (0)