Thời tiết cao nguyên vốn đỏng đảnh, kiêu kỳ với 1 ngày có đến 4 mùa, thoắt mưa, thoắt nắng. Từ chiều tối đến khuya, trời thường se se lạnh, đủ để bạn khoác một chiếc áo lạnh mỏng, cùng người yêu ra phố, tấp vào một gánh bún đỏ bốc khói bên góc đường Phan Đình Giót - Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Khu chợ Sắt nằm sát bên hông Biệt Điện Bảo Đại về đêm nổi tiếng là "phố bún đỏ". Chỉ mấy trăm mét đã có hàng chục quán bún đỏ, nào Liên, Thúy, Thu… Nhưng có lẽ nổi tiếng và lâu đời nhất là bún đỏ Thu.
Nói là quán cho sang chứ chỉ đơn sơ một biển hiệu, một gánh bún và hàng chục bàn ghế nhựa xếp trên vỉa hè, dưới những bóng cây cổ thụ. Bún đỏ hay bán kèm với bún riêu kiểu Buôn Ma Thuột vì cách nấu và nguyên liệu 2 món này khá giống nhau. Tuy nhiên, chỉ thay đổi bí quyết và cách biến tấu một chút thôi đã tạo nên hai món bún khác biệt, là đặc sản nổi tiếng của phố núi.
Bún đỏ được gọi tên theo màu sắc của sợi bún. Sợi bún to gần bằng đầu đũa, nấu trong nồi nước lèo có pha dầu điều để bún nở to hơn và "nhuộm" đỏ như cua luộc.
Linh hồn của bún đỏ là phần nhân. Hỗn hợp gồm tôm khô và thịt nạc dăm xay nhỏ trộn đều với lòng đỏ trứng gà, nêm gia vị, vò viên lại, thả vào nồi nước lèo. Bí quyết khiến nước lèo ngọt thơm nằm ở phần thịt cua đồng xay nhuyễn, có phi dầu điều tạo màu.
Bún đỏ khác với bún riêu ở chỗ nhân không có đậu hũ nhuyễn và cà chua mà lại có trứng cút luộc. Rau ăn kèm cũng khá độc đáo. Trước đây, khi các hàng bún đỏ chưa nhiều và phổ biến ở Buôn Ma Thuột như bây giờ, các bà, các chị thường luộc đọt rau cần nước và giá trụng làm rau ăn kèm. Theo thời gian, có thể để tiết kiệm chi phí và cũng chiều lòng thực khách, nhiều hàng ở Buôn Ma Thuột thay bằng cọng cải luộc, ăn vẫn hợp nhưng mất vị dai ngọt đặc trưng của rau cần. Bún đỏ muốn ngon phải ăn khi thật nóng, ngoài rau ăn kèm còn rắc lên chút tóp mỡ, nêm ít chanh, mắm tôm, ớt xay nhuyễn.
Đến Buôn Ma Thuột vào buổi sáng hay trưa, đố bạn tìm ra nơi nào bán bún đỏ. Món này chủ yếu bán từ tầm 16 giờ đến khuya. Bún đỏ được xem như món chỉ tìm thấy ở vỉa hè phục vụ dân lao động làm đêm với giá tầm 20.000-30.000 đồng/tô. Lâu dần, nó trở thành món khoái khẩu của giới trẻ. Trời đêm cao nguyên mưa lạnh, nép vào một quán bên đường, xì xụp tô bún đỏ mà lòng ấm sực, hỏi ai mà không mê!
Bún riêu đã có mặt ở TP HCM trong những quán do người Buôn Ma Thuột xa quê mở, bún chìa - một đặc sản khác của xứ này cũng đã vào khách sạn 5 sao. Chỉ còn bún đỏ, ít tiếng tăm hơn nhưng vẫn là món khoái khẩu tuổi thơ, để những người con xa quê, mỗi lần về quê lại tìm đến.
Bình luận (0)