Sau 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975), Việt Nam đã thống nhất và hòa bình được lập lại. Từ đó đến nay, gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những bài học về chiến tranh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị.
Góp phần vào thắng lợi chung, có hai lực lượng đặc biệt: Trong quân đội chính quy có Binh chủng Đặc công và trong lực lượng vũ trang quân giải phóng có Biệt động Sài Gòn - còn gọi là Biệt động Thành.
Vài nét về Biệt động Sài Gòn
Manh nha từ thời Nam bộ Kháng chiến (23-9-1945) và chính thức ra đời sau chuyến mạo hiểm thị sát Sài Gòn của Khu trưởng Nguyễn Bình (1906-1951), Biệt động Sài Gòn có tên gọi ban đầu là Ban Công tác Thành. Sau Hiệp định Geneve (năm 1954), Ban Công tác Thành giải thể và được tái lập vào tháng 10-1961. Đến năm 1963, 4 đơn vị biệt động cấp quân khu được thành lập, gồm 65, 67, 69 và bộ phận trinh sát hoạt động ở nội thành. Một năm sau, các đội 66, 68 được thành lập thêm.
Lực lượng an ninh và Biệt động Sài Gòn trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu
Đặc công là binh chủng chính quy, có vũ khí và kỹ năng chiến đấu chuyên nghiệp. Từ cận chiến bằng vũ khí "lạnh" đến sử dụng mìn và thuốc nổ, tiềm nhập, bơi đường dài (đối với đặc công thủy)... Tôi đã gặp các bạn đặc công thủy ở Trường Sa. Họ có thể bơi 25 km với 50 kg vũ khí. Biệt động tương tự du kích và ai cũng có thể tham gia nếu được chọn, từ người già, trẻ em cho đến nữ sinh... Họ có nhiều nhiệm vụ khác nhau như tác chiến, liên lạc, điều tra địch tình, vận chuyển và cất giấu vũ khí... Biệt động tác chiến trong đô thị gặp khó khăn và nguy hiểm rình rập.
Do hoạt động trong lòng địch nên phải có vỏ bọc và giấy tờ hợp pháp. Đặc công mất vài tháng để huấn luyện, vài tuần để tổ chức một trận đánh nhưng với biệt động sẽ là hằng năm. Đặc công tác chiến độc lập nhưng biệt động phải dựa vào dân. Nếu không có dân trợ giúp thì mạng lưới không thể tồn tại. Đặc công thường tác chiến ban đêm; ngược lại, biệt động luôn tác chiến vào ban ngày để gây tiếng vang. Một trận đánh cường tập của đặc công có thể kéo dài nhưng một trận đánh của biệt động không bao giờ quá 5 phút.
Những di tích còn lại
Phở Bình ( số 7 Lý Chính Thắng, quận 3) từng là Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 của Biệt động Sài Gòn
Để qua mắt đối phương và hoạt động hợp pháp trong lòng địch, Biệt động Sài Gòn xây dựng các trạm giao liên, các điểm tập kết, các hầm bí mật…Sau năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ, các cơ sở này vẫn tiếp tục kinh doanh và hoạt động bình thường. Trừ người trong cuộc, ít ai biết đó là những địa danh đầu não của một lực lượng từng bao phen làm đối phương bạt vía.
Đó là:
- Phở Bình (số 7 Lý Chính Thắng, quận 3). Đây là Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 của Biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân 1968, được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.
- Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, cơ sở 1; số 287/72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3): Đây là nơi chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
- Cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn (cơ sở 2; số 113 Đặng Dung, quận 1): Nơi đây còn lưu giữ hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn.
- Tượng đài Biệt động Sài Gòn tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (số 3 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1): Đây là nơi diễn diễn ra trận đánh thần tốc và kịch chiến của Biệt động Thành, Xuân Mậu Thân 1968.
- Di tích Nhan Hương Quán trong khuôn viên Thảo Cầm Viên: Nơi nuôi giấu lãnh đạo Biệt động Sài Gòn đến công tác và lấy tin tức, được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.
- Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại cổng sau Hội trường Thống Nhất TP HCM: Nơi diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ khi tấn công Dinh Độc Lập vào Tết Mậu Thân năm 1968.
Cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn (cơ sở 2; số 113 Đặng Dung, quận 1) là nơi hoạt động của Biệt động Sài Gòn.
Tượng đài Biệt động Sài Gòn tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM
Nên mở tour du lịch
Những cứ liệu, địa chỉ trên đều có thể khai thác thành sản phẩm du lịch. Việc này đáng lẽ phải làm từ lâu. Chậm còn hơn không, càng chậm càng lãng phí. Đầu tiên là khảo sát và thực địa các địa điểm, hỗ trợ các gia đình cải thiện nhà vệ sinh phục vụ du lịch theo nhiều cách.
Cách thứ nhất là các điểm có thể đón khách du lịch đến ăn sáng, trưa, chiều, tối; uống cà phê với những món xưa và giới thiệu về di tích. Dĩ nhiên phải đăng ký trước để chủ động phục vụ.
Cách thứ hai là kết hợp thêm các điểm đến khác của thành phố.
Cách thứ ba là làm riêng tour du lịch "Biệt động Sài Gòn" trong ngày theo dạng trò chơi trải nghiệm với số lượng nhất định.
Lực lượng Biệt động Sài Gòn đã được dựng thành bộ phim kinh điển cùng tên
Theo tôi, nên tổ chức một tour hấp dẫn với hành lịch đề xuất như sau: Họp đoàn trước theo dạng "vào khu", bịt mặt để không ai biết ai. Sinh hoạt chung theo phương châm - bí mật - bất ngờ - chính xác. Từng khách được phát mật thư, tín hiệu và tiền với nhiệm vụ riêng. Tự túc đến Phở Bình. Dùng mật khẩu tìm giao liên để được phục vụ miễn phí ăn sáng. Giao liên sẽ giao nhiệm vụ theo từng chặng. Chặng 1 là Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Chặng 2 là cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại hàn cơ sở 1 (uống cà phê, ăn bánh ngọt). Chặng 3 là cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn cơ sở 2 (ăn trưa và hội quân). Đi xe lam, xe honda cũ đến Nhan Hương Quán tham quan rồi Hội trường Thống Nhất, viếng bia tưởng niệm. Ăn nhẹ và giao lưu với nhân chứng trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất.
Đội ngũ nhân viên phục vụ quán cũng như các hướng dẫn cần được huấn luyện thực hành riêng vào vai giao liên và chỉ huy từng trạm. Tour sẽ mời báo chí thử nghiệm trước khi triển khai cho du khách. Tiến hành thống nhất tư liệu thuyết minh, kể chuyện, nhất là cách dùng từ. Tour không nhằm gợi hận thù chiến tranh mà chủ yếu là đề cao tinh thần mưu trí, quả cảm, lòng yêu nước, đặc biệt là vai trò của người dân.
Đây là tour đặc thù, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của TP HCM, gắn với giáo dục truyền thống cách mạng. Rất cần được mọi người chung sức, khẩn trương, có lộ trình, trách nhiệm cụ thể và những cách làm thiết thực.
Bình luận (0)