Đứng cạnh Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 11-10 tại Berlin, ông Scholz cam kết Đức sẽ tiếp tục là nước hậu thuẫn quân sự lớn nhất của Ukraine tại châu Âu, với vấn đề trọng tâm là tăng cường năng lực phòng không của Kiev trước Nga.
Là kết quả hợp tác giữa Đức, Bỉ, Đan Mạch và Na Uy, gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine bao gồm các hệ thống phòng không, xe tăng chiến đấu, lựu pháo, súng phòng không tự hành Gepard, UAV tác chiến, thiết bị radar – hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Scholz.
"Tất cả những điều này cho thấy hai điều" - ông Scholz nói tại buổi họp báo - "Thứ nhất: Ukraine có thể vững tin vào chúng tôi. Thứ hai, đây là thông điệp rõ ràng gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin: Chiến thuật câu giờ sẽ không hiệu quả. Chúng tôi sẽ không ngừng hỗ trợ Ukraine".
Tới lượt mình phát biểu, Tổng thống Zelensky, người thăm Berlin sau khi lần lượt đặt chân đến London, Paris và Rome trong tuần này, nhắc lại dự định công bố chi tiết bản "kế hoạch chiến thắng" mới nhằm đưa ra tầm nhìn của Kiev đối với việc chấm dứt chiến sự.
Thời gian qua, Tổng thống Zelensky kêu gọi thế giới tăng cường ủng hộ lập trường yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ của Ukraine. Nhưng "công thức" này chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi, đặc biệt là khi các nước thuộc Nam bán cầu (tên gọi chỉ các quốc gia đang phát triển, thường tập trung ở Nam bán cầu) muốn có sự tham gia của Moscow vào bất kỳ tiến trình hòa bình nào.
Ukraine đang đặt mục tiêu tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay để xúc tiến tiến trình hòa bình nói trên.
"Chúng tôi muốn một nền hòa bình công bằng cho Ukraine và chúng tôi sẽ thực hiện điều đó" - ông Zelensky nói - "Tôi sẽ trình bày kế hoạch chiến thắng mà theo tôi là cây cầu dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh hòa bình mới. Đây không phải là sự thay thế cho công thức hòa bình, mà là phương tiện giúp củng cố vị thế của Ukraine".
Cũng trong buổi họp báo, ông Scholz tái khẳng định cam kết của G7 sẽ huy động khoản vay 50 tỉ USD cho Ukraine, lấy từ các tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga.
Tiến trình này đang rơi vào bế tắc do nội bộ phương Tây tranh cãi về các chi tiết cuối cùng và cũng vì Mỹ muốn tìm cách đảm bảo rằng phần đóng góp của Liên minh châu Âu sẽ không vấp phải sự phản đối của Hungary.
"Ông có thể tin tưởng vào điều ấy" - Thủ tướng Scholz khẳng định với Tổng thống Zelensky tại Berlin.
Bình luận (0)