Theo RT, SVR đã giải mật báo cáo của một đặc vụ hồi tháng 3, trong đó viết rằng “Pháp đang chuẩn bị đưa khoảng 2.000 binh sĩ đến chiến đấu ở Ukraine”.
Báo cáo được đăng trên tạp chí “Scout” của SVR. Đặc vụ - sử dụng bút danh Felix - cho biết quân đội Pháp “lo ngại về số lượng người Pháp thiệt mạng ngày càng tăng trong cuộc xung đột ở Ukraine”, đặc biệt sau khi lực lượng Nga phá hủy một trung tâm triển khai tạm thời cho người nước ngoài gần Kharkiv vào tháng 1 năm nay.
Paris cũng lưu ý kể từ đó, các cuộc tấn công tương tự đã “trở thành thông lệ trong cuộc xung đột ở Ukraine”.
Theo báo cáo của Felix, Bộ Quốc phòng Pháp “thừa nhận họ chưa từng chứng kiến những tổn thất như vậy kể từ cuộc chiến ở Algeria vào nửa sau thế kỷ XX”.
Felix tiết lộ chính quyền Pháp “đang chuẩn bị gửi một đội quân tới Ukraine, dự kiến bao gồm khoảng 2.000 binh sĩ”. Tuy nhiên, quân đội Pháp được cho là lo ngại rằng sẽ không thể bí mật gửi nhiều quân như vậy vào Ukraine vì nơi này sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên của lực lượng Nga.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần ám chỉ nước ông có thể cử binh sĩ chiến đấu bên phía Ukraine, khiến Nga lên án và hầu hết đồng minh của Paris trong NATO phản đối.
Nhà lãnh đạo Pháp sau đó cũng xác nhận rằng ông đang cố gắng thành lập một liên minh sẵn sàng triển khai giảng viên quân sự để huấn luyện quân đội Ukraine trên thực địa. Hồi tháng trước, các quan chức cấp cao Kiev nói nhóm giảng viên người Pháp đầu tiên đang trên đường tới Ukraine.
Moscow nhiều lần cảnh báo không nên viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các chuyên gia quân sự phương Tây từ lâu đã hoạt động ở Ukraine "dưới vỏ bọc lính đánh thuê". Ông lưu ý việc triển khai lực lượng phương Tây tới Ukraine có thể dẫn đến một “cuộc xung đột nghiêm trọng ở châu Âu và xung đột toàn cầu”.
Trong một diễn biến khác, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 11-7 mô tả việc triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tới Đức - được công bố gần đây - là “mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược”.
Nhà ngoại giao này nói thêm động thái đó có thể dẫn đến “sự leo thang không kiểm soát được trong bối cảnh căng thẳng Nga - NATO đang gia tăng một cách nguy hiểm”.
Berlin và Washington đã thông báo vào cuối hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần này rằng tên lửa hành trình của Mỹ sẽ được lắp đặt tại Đức từ năm 2026.
Việc triển khai những loại vũ khí như vậy trước đây bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Washington đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2019.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng việc tiếp nhận tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ “cho Đức cơ hội phát triển các loại vũ khí tương tự của riêng mình” và “giúp Berlin che đậy lỗ hổng nghiêm trọng trong phòng thủ”.
Cùng ngày 11-7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố nước này sẽ bình tĩnh chuẩn bị phản ứng quân sự trước kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa ở Đức của Mỹ.
“Kế hoạch mới nhất của Mỹ chỉ là một sự leo thang căng thẳng khác của phương Tây và là một trong những yếu tố đe dọa đối với Nga” - ông Ryabkov nói.
Bình luận (0)