Tuyên bố được nhà lãnh đạo NATO đưa ra trong phiên họp chung giữa Ủy ban Đối ngoại (AFET) với Tiểu ban An ninh và Quốc phòng (SEDE) thuộc Nghị viện châu Âu hôm 13-1.
Mặc dù 2/3 quốc gia thành viên khối quân sự do Mỹ dẫn dắt đã đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, song theo ông Rutte "con số này vẫn chưa đủ để đối phó thách thức từ Nga".
"Chúng ta hiện vẫn an toàn nhưng điều đó không chắc trong 4-5 năm nữa" – cựu thủ tướng Hà Lan, người tiếp quản vị trí Tổng thư ký NATO vào tháng 10 năm ngoái, nhận định và cảnh báo – "Vậy nên nếu không nâng mức chi tiêu hãy chuẩn bị tinh thần để học tiếng Nga hoặc có thể chuyển tới New Zealand".
Tổng thư Rutter nói thêm: "Tôi muốn chúng ta chi tiêu cho quân sự nhiều hơn nữa. Mức 2% như hiện nay là không đủ".
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump gần đây nêu ý tưởng NATO cần nâng mức chi tiêu quân sự lên 5% GDP nhưng hiện không có thành viên nào, kể cả Mỹ, đạt được con số đó.
Mỹ hiện đóng góp 60% cho tiêu quân sự hàng năm của NATO. "Nếu không có Mỹ các thành viên NATO ở châu Âu sẽ phải tăng chi tiêu lên tới 10% GDP và điều này hoàn toàn không thực tế" – ông nhấn mạnh.
Tổng thư ký NATO cũng nói châu Âu đã tăng cường sản xuất vũ khí để hỗ trợ Ukraine nhưng vẫn chưa đủ.
"Ngành công nghiệp quân sự của chúng ta vẫn còn quá nhỏ, quá phân mảnh và thực sự quá chậm" - ông Rutte chỉ ra thực tế - "NATO mất cả năm trời để sản xuất số vũ khí và đạn dược mà Nga chỉ cần thời gian 3 tháng".
Nga tăng chi tiêu quốc phòng dễ dàng hơn vì "họ không có bộ máy quan liêu như chúng ta" và họ đang chi tới 9% GDP cho quân sự, ông nói.
Trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng cấp cao vào tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin nói Nga đang chi 6,3% GDP cho quân sự và kêu gọi quân đội sử dụng khoản tiền này một cách có trách nhiệm.
Mong muốn bắt kịp Nga, ông Rutte kêu gọi không tạo ra các rào cản đối với các công ty từ các nước NATO bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) tham gia vào nỗ lực thúc đẩy công nghiệp quốc phòng của khối.
"Chúng ta phải tránh tạo ra những rào cản mới giữa các đồng minh vì điều này chỉ làm tăng chi phí, làm phức tạp sản xuất và cản trở sự đổi mới"- Tổng thư ký NATO phát biểu.
"Tôi tin rằng việc các đồng minh ngoài EU tham gia vào các nỗ lực công nghiệp quốc phòng của EU là rất quan trọng đối với an ninh của châu Âu" – Reuters dẫn lời ông Rutte và khẳng định - "Hợp tác công nghiệp quốc phòng xuyên Đại Tây Dương giúp tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn".
Một số thành viên chủ chốt của NATO, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ, không phải thành viên EU.
Bình luận (0)