Mục đích của việc cắt giảm viện trợ nói trên là vì Đức muốn dành cho các ưu tiên chi tiêu khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17-7, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner khẳng định: "Nguồn tài chính viện trợ Ukraine được bảo đảm trong tương lai gần nhờ các công cụ của châu Âu và các khoản vay của G7".
Đức hy vọng Ukraine sẽ có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu quân sự của họ với khoản vay 50 tỉ USD - lấy từ phần lãi thu được từ số tài sản bị phong tỏa của Nga. Hướng đi này đã được Nhóm G7 (Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển) đồng ý và số tiền dành cho vũ khí này sẽ không bị sử dụng hết.
Theo trang Politico, đó dường như là thông điệp rõ ràng của Đức gửi tới Ukraine, cho thấy Berlin sẵn sàng thay đổi hướng đi.
Mỹ kêu gọi đẩy mạnh việc giải ngân các khoản vay để cung cấp cho Ukraine một khoản ngân sách đáng kể ngay lập tức. Theo hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đồng ý với ý tưởng này, một phần vì giúp làm giảm nguy cơ Ukraine bị thiếu tiền nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Lo ngại này càng tăng khắp châu Âu trong tuần này sau khi ông Trump chọn thượng nghị sĩ J.D. Vance làm ứng viên phó tổng thống.
Ông Trump trước đó còn làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt từ các quan chức phương Tây vì nhấn mạnh sẽ không bảo vệ những quốc gia không đáp ứng được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO.
Đức đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì liên tục không đạt được mục tiêu chi tiêu của NATO là phân bổ ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.
Nguồn dự trữ vũ khí của Đức, vốn đã cạn kiệt do thiếu đầu tư trong nhiều thập kỷ, ngày càng bị cạn kiệt do phải viện trợ cho Ukraine.
Đức đã làm được nhiều việc cho Ukraine hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Ngoài hàng ngàn quả đạn pháo và xe bọc thép, Đức hỗ trợ đáng kể cho hệ thống phòng không và các hệ thống khác.
Đến nay, Berlin đã tặng 3 hệ thống phòng không Patriot cho Kiev, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, giảm số lượng hệ thống Patriot ở Đức xuống còn 9.
Đức phải vật lộn để đáp ứng mục tiêu chi tiêu của NATO do nước này muốn hạn chế nợ công. Bất chấp kế hoạch cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, Đức cam kết sẽ tuân thủ mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2025, với tổng số tiền là 75,3 tỉ euro.
Các nguồn tin từ Bộ tài chính Đức cho biết vào năm 2028, ngân sách sẽ thường xuyên bị thiếu hụt 39 tỉ euro, trong đó cần 28 tỉ euro để tuân thủ mục tiêu của NATO mà không có quỹ đặc biệt.
Bình luận (0)