Gần đây xuất hiện thông tin gây nhiều xôn xao là Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố muốn mua 10 hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, với giá khoảng 15 tỉ USD.
Từ trước khi công khai ý định này trong cuộc phỏng vấn với đài CBS hôm 13-4 và trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte hai ngày sau đó, theo trang Euromaidan Press ngày 10-4, ông Zelensky đã bày tỏ mong muốn phân bổ 30-50 tỉ USD cho một gói quốc phòng từ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh tính linh hoạt thông qua các khoản vay hoặc viện trợ quốc tế.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào năm 2022, Mỹ đã cung cấp hơn 83 tỉ USD viện trợ quân sự cho Kiev, chủ yếu thông qua tài trợ hoặc rút tiền từ kho dự trữ, không phải mua sắm trực tiếp.
Trong khi đó, một đợt bán vũ khí lớn như ông Zelensky gợi ý cần sự chấp thuận của quốc hội Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Global Images Ukraine
Việc Washington từ chối thỏa thuận từ Kiev, như các nguồn tin ghi nhận, phản ánh tính toán chiến lược. Mỹ ưu tiên viện trợ hơn là mua bán nhằm duy trì tính linh hoạt trong hỗ trợ Ukraine mà không ảnh hưởng tới khả năng phòng thủ của nước này.
Washington cũng thận trọng vì lo ngại bán Patriot cho Ukraine có nguy cơ làm leo thang căng thẳng với Nga - quốc gia vốn coi các hệ thống cấp NATO mang tính khiêu khích.
Tuy nhiên, cái lắc đầu từ Mỹ có thể làm suy yếu khả năng phục hồi của Ukraine, buộc nước này phải phụ thuộc vào các hệ thống kém hiệu quả hơn. Quyết tâm mua Patriot báo hiệu mong muốn chuyển dịch sang tự lực cánh sinh lâu dài, giảm phụ thuộc vào viện trợ tạm thời của Ukraine.
Do đó, Mỹ đang đối mặt với bài toán nan giải: Hỗ trợ vũ khí cho đồng minh nhưng phải đánh đổi bằng chính mức sẵn sàng chiến đấu của mình, hoặc giữ lại nguồn lực để chuẩn bị cho xung đột tiềm tàng ở nơi khác, như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Được phát triển bởi Raytheon Technologies, hệ thống Patriot có khả năng chống lại nhiều mối đe dọa trên không, từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình đến máy bay tiên tiến.
Một tổ hợp Patriot, với giá khoảng một tỉ USD, cần khoảng 90 nhân sự vận hành, chưa kể chi phí bổ sung.
Việc cung cấp 10 hệ thống Patriot đặt ra những thách thức to lớn về mặt hậu cần khi năng lực sản xuất của Raytheon cũng có hạn. Một thỏa thuận năm 2023 với Nhật Bản và các đồng minh về 1.000 tên lửa đánh chặn PAC-3, trị giá 5,5 tỉ USD, là minh chứng cho tốc độ sản xuất, khi hẹn giao hàng tới tận năm 2027.
Bình luận (0)