"Chúng tôi đã chuyển giao hai chiếc cuối cùng trong lô 18 máy bay chiến đấu F-16 đã hứa cho một căn cứ huấn luyện ở Romania" – Reuters dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Hà Lan hôm 20-11.
Tuyên bố khẳng định căn cứ ở Romania đang huấn luyện các phi công cũng như đội ngũ kỹ thuật viên Ukraine về cách bảo dưỡng tiêm kích F-16.
Hà Lan cũng đã hứa sẽ trực tiếp giao 24 máy bay F-16 cho Kiev. Hà Lan được xem là một trong những động lực thúc đẩy liên minh quốc tế cung cấp F-16 cho Ukraine nhằm đối trọng với không quân Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nhấn mạnh khoản viện trợ này là "bước đột phá" sẽ tăng cường năng lực phòng không của Ukraine và hỗ trợ cho cuộc phản công của nước này.
Chính phủ Hà Lan đã tuyên bố vào tháng 9 rằng họ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng hơn 10% vào năm tới, viện dẫn lý do xung đột Nga - Ukraine.
Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày 20-11 công bố một gói hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 275 triệu USD cho Ukraine theo cơ chế thẩm quyền chi ngân sách của tổng thống (PDA).
Lầu Năm Góc cho hay gói này gồm vũ khí phòng không, đạn pháo và máy bay không người lái (UAV), nhằm cung cấp cho Ukraine "các năng lực bổ sung để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất". Gói viện trợ mới nhất cho phép rút khỏi kho dự trữ quân sự hiện có của Mỹ và gửi đến Ukraine theo diện "trường hợp khẩn cấp".
"Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với khoảng 50 đồng minh và đối tác thông qua Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine và các liên minh năng lực liên quan để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết trên chiến trường của Ukraine" – Lầu Năm Góc quả quyết.
Mỹ đã cung cấp khoảng 60,7 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt sang nước láng giềng ngày 24-2-2022.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine trong bối cảnh các hoạt động quân sự gia tăng của Nga và trước khi ông rời Nhà Trắng sau khoảng 2 tháng tới.
Bình luận (0)