Thông tin trên do tờ Politico đăng tải ngày 23-10, trích dẫn từ 4 quan chức và nhà ngoại giao Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giấu tên.
Các nguồn tin của Politico tiết lộ Đức và Mỹ nằm trong số những quốc gia không muốn đáp ứng ngay ý tưởng mời Ukraine gia nhập NATO của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Zelensky hồi đầu tuần này nói rằng lập trưởng của Đức đã mềm mỏng hơn nhưng vẫn "hoài nghi".
Trong khi đó, Hungary và Slovakia cũng đang phản đối. Các nhà lãnh đạo hiện tại của những nước này nhìn chung có quan điểm ủng hộ Điện Kremlin.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chặn các quỹ của Liên minh châu Âu (EU) để trang bị vũ khí cho Ukraine và rút khỏi chương trình NATO cung cấp hỗ trợ sát thương cho Kiev.
Về phần mình, Thủ tướng Slovakia Robert Fico hồi đầu tháng 10 cảnh báo việc Ukraine gia nhập NATO sẽ làm xung đột lan rộng và ông tuyên bố sẽ "không bao giờ đồng ý" mời Ukraine gia nhập khối.
Ngoài ra, có những quốc gia khác không muốn nhanh chóng tiến về phía Kiev nhưng không công khai phản đối. Một quan chức NATO nói với Politico: "Các quốc gia như Bỉ, Slovenia hoặc Tây Ban Nha đang ẩn mình sau Mỹ và Đức. Họ không muốn để Ukraine gia nhập NATO".
Một quan chức khác cho biết các quốc gia "ủng hộ ý tưởng này về mặt lý thuyết nhưng ngay khi nó gần thành hiện thực", họ sẽ phản đối công khai hơn. Chuyện này khiến họ bất đồng quan điểm với các nước Baltic và Ba Lan, những quốc gia nhiệt tình với ý tưởng mời Ukraine gia nhập NATO.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU rằng nước này vẫn ủng hộ mở rộng triển vọng tư cách thành viên NATO cho Ukraine.
Politico lưu ý rằng các thành viên chủ chốt của NATO lo ngại họ có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trưc tiếp với Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn, Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại NATO Julianne Smith nêu rõ lập trường của Washington: "Cho đến nay, liên minh vẫn chưa đạt đến điểm sẵn sàng cung cấp tư cách thành viên hoặc lời mời cho Ukraine".
Tuy nhiên, các quan chức đã trao đổi với Politico đều nhấn mạnh rằng cả Mỹ và Đức không loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh.
Quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu là việc trở thành thành viên NATO sẽ diễn ra sau khi xung đột kết thúc, nhưng chưa có khung thời gian nào được vạch ra.
Ukraine đưa việc gia nhập NATO vào Hiến pháp của nước này từ năm 2019 và chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự từ tháng 9-2022.
Bình luận (0)