Forbes mô tả Nga đã chuyển sang giai đoạn cao điểm trong chiến dịch tấn công Ukraine bằng UAV với các cuộc đột kích hàng đêm lên tới hơn 100 chiếc. Đích đến của chúng chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, gây mất điện diện rộng để khiến người Ukraine lo ngại về mùa đông sắp tới.
"Ăn miếng trả miếng", thời gian qua Ukraine cũng tăng cường các cuộc tấn công bằng UAV tầm xa vào sâu trong lãnh thổ nước Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky tiết lộ nước này có kế hoạch sản xuất 30.000 UAV tấn công tầm xa vào năm tới, để đưa các mục tiêu chiến lược của Moscow vào tầm ngắm.
Trên trang web cá nhân Covert Shores, chuyên gia quân sự HI Sutton từng ước tính Ukraine đã chế tạo được 23 loại UAV tấn công tầm xa khác nhau. Chúng được sản xuất bởi nhiều nhóm với thiết kế, vật liệu từ đơn giản tới phức tạp.
Ngoài ra, Ukraine cũng nhận được các UAV tấn công tầm xa do đồng minh viện trợ như Dominator hay Phoenix Ghost của Mỹ. Có điều, tổng hợp mọi nguồn thì số lượng UAV của Ukraine cũng không nhiều.
Nguồn tin cho hay chính phủ Ukraine gần đây mới tham gia vào việc sản xuất các UAV tương tự như Geran của Nga (phương Tây và Ukraine nghi là mẫu UAV Shahed của Iran).
Khi gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 2-12, Tổng thống Volodymyr Zelensky tiết lộ Ukraine có kế hoạch "sản xuất UAV bản sao Geran với số lượng 30.000 chiếc vào năm 2025".
Không rõ liệu Kiev có hoàn thành mục tiêu trên hay không nhưng khoảng một năm trước, nhà thầu Terminal Autonomy tuyên bố đã sẵn sàng sản xuất 500 UAV AQ-400 Scythe mỗi tháng.
Mặc dù UAV AQ-400 Scythe dễ dàng sản xuất hàng loạt nhưng kế hoạch của Terminal Autonomy không hoàn thành do thiếu kinh phí. Một số nhà thầu khác cũng nhận được ngân sách từ chính phủ để sản xuất vũ khí.
Các nhà phân tích cho rằng Ukraine đã tung ra nhiều mẫu UAV hơn so với Nga nhưng về sản lượng thì không thể sánh được với một cường quốc quân sự như Nga.
UAV được ví như "vua chiến trường", cho nên cuộc đua UAV không chỉ đơn thuần về số lượng. Nó còn đòi hỏi các bên có khả năng tích hợp công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tác chiến điện tử, khả năng tìm kiếm, khóa mục tiêu, né tránh phòng không đối phương... để thích nghi với sự thay đổi không ngừng trên mặt trận.
Cũng có những trường hợp UAV được thiết kế đơn giản, dễ sản xuất, giá thành thấp nhưng lại có thể tấn công hiệu quả bằng cơ chế "bầy đàn".
Nga đã sản xuất loại UAV chỉ sử dụng vật liệu giá rẻ như ván ép. Chúng thực hiện nhiệm vụ tấn công mở đầu bằng số lượng lớn để làm phòng không Ukraine quá tải, trước khi Nga tung UAV Shahed và tên lửa khai hỏa vào các mục tiêu chiến lược của Ukraine.
Không chỉ với UAV mà Ukraine trong tuần còn tuyên bố họ bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa không người lái Palyanytsya. Được công bố lần đầu vào tháng 8, Palyanytsya là "máy bay không người lái chạy bằng tên lửa", có khả năng tấn công mục tiêu cách xa khoảng 643 km với tốc độ cao.
Palyanytsya sẽ tạo ra thách thức đáng kể đối với lực lượng phòng thủ của Nga, vốn chỉ được trang bị để đối phó với UAV tốc độ thấp.
Hiện không rõ chi phí của mỗi chiếc Palyanytsya là bao nhiêu và Ukraine có thể sản xuất số lượng lớn ở mức độ như thế nào để đáp ứng nhu cầu chiến đấu.
Bình luận (0)