Giới chức Mỹ nói với tờ The Wall Street Journal ngày 5-8 rằng những ngày gần đây, Mỹ đã chứng kiến sự di chuyển của các bệ phóng tên lửa ở Iran, cho thấy đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công tiềm tàng.
Nguồn tin của The Wall Street Journal nói rằng Iran đã có những động thái như vậy vào cuối tuần trước. Trong khi đó, chính quyền Mỹ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn một cuộc tấn công, cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia Ả Rập.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không biết vai trò của Hezbollah trong phản ứng tiềm tàng của Iran đối với vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran.
Theo các tuyên bố của Iran nhiều ngày qua, dường như một cuộc tấn công của Iran nhằm đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas nhiều khả năng sẽ có quy mô lớn và đáng kể, lớn hơn cuộc tấn công ngày 14-4.
Báo cáo của Trung tâm Giáo dục Nghiên cứu Alma công bố ngày 5-8 dự báo cuộc tấn công tiềm tàng của Iran vào Israel có sự tham gia của cả Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và quân đội Iran.
Đây sẽ là một vụ phóng kết hợp tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, cùng với máy bay không người lái từ nhiều địa điểm ở phía Tây Iran.
Trung tâm Alma đã liệt kê 12 địa điểm phóng có thể được IRGC và quân đội Iran sử dụng trong trường hợp tấn công, bao gồm Tabriz, Kermanshah, Khorramabad và Dezful.
Theo Trung tâm Alma, hầu hết các vụ phóng sẽ được thực hiện từ các khu vực mở gần các căn cứ ngầm bằng bệ phóng di động.
Việc sử dụng bệ phóng di động từ các địa điểm ngầm giúp có tầm bắn linh hoạt hơn và lớn hơn. Tuy nhiên, số lượng ống phóng hiện có tại mỗi căn cứ ngầm của Iran tương đối hạn chế và có thể hạn chế tốc độ bắn và phạm vi phóng.
Trước đó, nhà báo Israel Ben Caspit đưa tin cơ quan an ninh Shin Bet của Israel đã chuẩn bị một boongke ngầm dưới đất ở Jerusalem nhằm ứng phó với trường hợp xảy ra tấn công toàn diện.
Nhà báo Caspit viết rằng "boongke chỉ huy và kiểm soát" mới được chuẩn bị này "dành cho việc tiến hành chiến tranh của giới lãnh đạo chính trị - an ninh Israel". Đồng thời, Caspit cho biết thêm cơ sở ngầm này "được kết nối với hầm" bên dưới căn cứ quân sự Kirya ở Tel Aviv và với "tất cả các boongke khác" trải rộng trên khắp Israel.
Các chỉ huy quân sự cấp cao của Israel từng sử dụng các boongke ngầm trước đây. Chiến dịch không kích của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở dải Gaza vào năm 2021 được chỉ đạo từ khu phức hợp dưới căn cứ Kirya, một hầm ngầm chống vũ khí hạt nhân được mệnh danh là "pháo đài Zion".
Trong một báo cáo về "pháo đài Zion", tờ The New York Times đã đề cập đến sự tồn tại của một boongke ngầm khác gần Jerusalem "dành cho các nhà lãnh đạo chính trị của Israel". Không rõ liệu nhà báo Caspin và tờ The New York Times có đang ám chỉ đến cùng một cơ sở hay không.
Bình luận (0)