Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp của VIS Rating vừa công bố, cho thấy tháng 9-2024 là tháng đầu tiên kể từ tháng 10-2021 không ghi nhận trường hợp chậm trả phát sinh mới nào.
Tỉ lệ trái phiếu chậm trả lũy kế tiếp tục xu hướng giảm kể từ quý I/2024. Tính đến 30-9, tỉ lệ trái phiếu chậm trả đang ở mức 14,8% trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong tháng 9-2024 đạt 55.900 tỉ đồng, nâng tổng giá trị tính từ đầu năm lên 334.000 tỉ đồng. Khối ngân hàng chiếm tỉ lệ 72% trong tổng số trái phiếu phát hành mới.
Một thông tin khác đáng chú ý là trong tháng 9-2024, dư nợ nợ gốc chậm trả khoảng 781 tỉ đồng đã được thanh toán cho các trái chủ, nâng tỉ lệ thu hồi chậm trả lên 21,2% nhờ sự cải thiện ở các nhóm ngành bất động sản nhà ở và xây dựng.
Diễn biến này cũng phù hợp với nhận định của một số chuyên gia, về đà phục hồi của thị trường bất động sản.
Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang dần phục hồi - dù còn chậm so với kỳ vọng. Một phần là nhờ cú huých từ các luật mới có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1-8.
Với ngành ngân hàng, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 245.400 tỉ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu bình quân khoảng 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 5,3 năm.
Trong đó, những cái tên dẫn đầu lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm tới nay phải kể đến là ACB 29.800 tỉ đồng, Techcombank 26.700 tỉ đồng, OCB 24.700 tỉ đồng. Theo MBS, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.
Tính từ đầu năm tới hết quý III, tín dụng tăng trưởng khoảng 9%, cao hơn so với mức 6,24% cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Bình luận (0)