Chiều 21-9, Diễn đàn Tổng Biên tập 2024: "Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?" do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức diễn ra tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Chủ trì diễn đàn có các ông: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Nguyễn Đức Lợi - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy, quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, cho biết: Khởi đầu từ năm 2019, đến nay Diễn đàn Tổng Biên tập đã bước sang mùa thứ 6, là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu của các tòa soạn, cũng như thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn.
Theo ông Lê Trần Nguyên Huy, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ được độc giả, báo chí truyền thống phải tìm những hướng đi mới, đồng thời tiếp tục khẳng định dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận, củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho rằng báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Mặt khác, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Thủ Đô, báo chí giải pháp có thể hiểu là bên cạnh các hoạt động phản ánh, phê phán, đấu tranh, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện thay vì chỉ nêu lên vấn đề. Điều này có nghĩa là báo chí thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của đất nước, của xã hội.
"Báo chí giải pháp không chỉ là công cụ cung cấp thông tin mà còn là nguồn cảm hứng cho hành động. Khi một vấn đề được đưa ra kèm theo các giải pháp cụ thể, công chúng không chỉ nhận thức được sự tồn tại của vấn đề mà còn có thể thấy cách mà vấn đề đó có thể được giải quyết. Điều này khuyến khích các cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia vào việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp" - ông Hưng nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng thông tin hiện nay tràn ngập trên các nền tảng công nghệ. Vì vậy, báo chí không đua tranh với mạng xã hội về tốc độ nhưng thông tin báo chí khác biệt ở sự chuyên nghiệp và đa chiều; đặc biệt báo chí đang đi theo xu thế không chỉ phản ánh mà phải cung cấp luận giải và giải pháp.
"Báo chí cần phải nhanh, có nhiều thông tin, đồng thời phải bảo đảm chính xác và thể hiện hấp dẫn để tạo nên sự khác biệt trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay" - nhà báo Lê Quốc Minh.
Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận: "Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng" và "Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?".
Theo các đại biểu, báo chí giải pháp không phải khái niệm mới, việc đề cập đến các giải pháp đã xuất hiện trên báo chí thế giới từ rất lâu, nhưng phải đến khoảng 2 thập kỷ qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, báo chí giải pháp được quan tâm và được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các nghiên cứu về báo chí truyền thông.
Theo đó, báo chí xây dựng, báo chí giải pháp là sự đi ngược lại xu hướng báo chí lá cải ngày càng tăng, đi ngược lại sự xuất hiện xu hướng giật gân và xu hướng tiêu cực trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời đặt ra yêu cầu các tờ báo, các cơ quan báo chí phải nghiên cứu các vấn đề xã hội, đề xuất các giải pháp cải thiện tình hình theo hướng tích cực, chứ không chỉ là đưa tin thuần tuý hay nhấn mạnh quá mức vào những tiêu cực. Cho đến nay, nhiều cơ quan và tổ chức báo chí có uy tín trên thế giới đã chuyển đổi theo mô hình báo chí giải pháp.
Bình luận (0)