
- Một lớp có 39 học sinh thì 33 em được nhận giấy khen (gồm cả tiên tiến và giỏi). Tôi thắc mắc chỉ nhận được lời thanh minh: “Có cái giấy khen tiếc gì mà không cho chúng nó?”.
Nhìn sang các lớp khác, tôi thấy ái ngại vì tỉ lệ được giấy khen khá cao. Tôi dạy toán lớp 7 nên nhận thấy trong lớp chỉ có khoảng 6-7 em học khá giỏi. Thế nhưng trong danh sách tới 11 em là học sinh giỏi và 13 em học sinh tiên tiến.
Một lớp khác có một em là học sinh cá biệt, thường xuyên quậy phá, không chịu học bài cũ, nghịch ngợm nhưng vẫn nằm trong danh sách học sinh tiên tiến. Tôi thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm lớp ấy vì sao lại có sự nhầm lẫn đáng tiếc như thế thì nhận được câu trả lời: “Thôi thì chín bỏ làm mười, châm chước cho em ấy để năm sau em ấy phấn đấu”.
Cứ mỗi khi tổng kết (học kỳ I hoặc cả năm), tôi lại thấy ngán ngẩm vì tệ phát giấy khen đại trà của nhà trường. Trong lớp càng có nhiều em là học sinh khá giỏi thì thầy cô chủ nhiệm sẽ được khen thưởng thành tích. Có một lớp có tới 33/38 học sinh nhận giấy khen (gồm cả tiên tiến và học sinh giỏi). Tôi thắc mắc chỉ nhận được những cái cười trừ. Có người còn nói rằng tôi cũ rích, đi sau thời thế, không biết nắm bắt cái mới và người như tôi đã lạc hậu rồi, chậm tiến rồi...
Tôi đem băn khoăn của mình tâm sự với một người bạn cũng là giáo viên (ở một trường THCS khác) thì được biết ở trường bạn cũng diễn ra “nạn” phát giấy khen đại trà tương tự. Nhất là khi người bạn ấy còn khuyên tôi đừng nên cứng nhắc quá, kẻo bị học sinh ghét, phụ huynh ghét mà bản thân mình lại mang tiếng là “tay nghề” kém, đơn giản vì lớp do mình làm công tác chủ nhiệm có tỉ lệ học sinh khá giỏi thấp. Rằng người ta như vậy, mình không theo thì thiệt!?
Bình luận (0)