Địa chỉ truy cập điểm thi của Bộ GD-ĐT luôn bị nghẽn mạng từ ngày 21 đến cuối giờ chiều ngày 22-7
Chiều 22-7, một địa chỉ trang mạng truy cập điểm thi THPT quốc gia 2015 chạy ổn định nhất sau khi Bộ GD-ĐT thông báo địa chỉ trang mạng truy cập điểm thi THPT quốc gia 2015 là trang mạng của Trường ĐH Cần Thơ.
Nhưng tại sao điểm truy cập tại trường ĐH Cần Thơ (http://thidbscl.ctu.edu.vn/) chạy được mà ở các nơi khác không chạy được? Câu trả lời đơn giản là nhờ server của ĐH Cần Thơ mạnh. Nhưng đây chưa phải là câu trả lời đầy đủ. Trên facebook của mình, PGS-TS Đỗ Văn Xê, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ kể về sự chuẩn bị của trường nhằm chia lửa với Bộ GD-ĐT.
Báo Người Lao Động xin được trích đăng:
… Ngay từ trước khi thi Bộ GD&ĐT luôn vững tin vào con hổ không thể chiến bại là tập đoàn viễn thông Viettel nên bị mắc bệnh "chủ quan, duy ý chí và quan liêu". Không cần phải dẫn chứng mọi người cũng thấy nhận định này có cơ sở. Trong đó tôi muốn nhấn mạnh việc không cho các trường công bố điểm thi là vi phạm quy chế tuyển sinh do chính Bộ GD&ĐT ban hành.
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ không có chỗ nào cấm các trường ĐH công bố điểm. Mọi người được quyền làm những điều luật không cấm. Ai không cho người khác làm điều mà luật không cấm là vi phạm luật. Sự vi phạm càng nghiêm trọng hơn khi "sự không cho phép" chỉ được truyền đạt bằng "khẩu dụ" chớ không bằng văn bảng có tính pháp lý. Sự cấm một cách gấp rút đến mức không kịp ban hành văn bản cho thấy tính chủ quan ngày càng tăng trong những ngày gần đến thời hạn công bố điểm.
Đến khi con ngựa mà Bộ cho là bách chiến bách thắng đã biến thành "con ngựa thành Troy", con tàu Titanic (unsinkable ship) đã chìm thi Bộ mới nhớ tới người anh em và nhờ giúp đỡ. Giải pháp chữa lửa mà Bộ áp dụng trong tình huống này là cắt dữ liệu ra thành nhiều vùng địa lý khác nhau và nhờ các trường ĐH ở mỗi vùng host dữ liệu và vận hành phần mềm hỗ trợ tìm kiếm để giúp thí sinh có thể đọc được điểm của mình. Trong cách làm này lại xảy ra một sai lầm khác đã tạo ra tình trạng đến giờ G (14:39 ngày 22-7-2015) chỉ có 2 nơi có thể hoạt động được. Đó là trường ĐH Cần Thơ và ĐH Đà Nẵng. Các nơi khác đều không chịu nổi sức công phá như vũ bão của thí sinh vì sự nôn nóng muốn biết điểm thi. Sai lầm lần này là do các chuyên gia CNTT của Bộ quên rằng trên internet khoảng cách và vùng địa lý không còn ý nghĩa nữa. Vì vậy nên họ mới chia dữ liệu theo vùng địa lý. Trong trường hợp này điều cần thiết là server phải đủ mạnh để phục vụ cho nhiều người truy cập cùng lúc. Vì vậy cách chia dữ liệu phải căn cứ vào sức mạnh của server chớ không phải dựa vào vùng địa lý như Bộ đã làm.
Tại sao điểm truy cập tại trường ĐHCT chạy được mà ở các nơi khác không chạy được? Câu trả lời đơn giản là "nhờ server của ĐH Cần Thơ mạnh". Câu trả lời này đúng nhưng chưa đủ. Muốn đủ phải nói thêm.
Công bố điểm thi là việc làm thường xuyên hàng năm nên chúng tôi có kinh nghiệm. Quan trọng hơn nữa là ĐHCT đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ từ 8 năm qua. Hệ thống mạng của ĐHCT đã được thiết kế để phục vụ khoảng 30 ngàn thí sinh lập kế hoạch học tập, đăng ký học phần, xem điểm... trực tuyến nên cán bộ CNTT của trường có nhiều kinh nghiệm. Điều quan trọng hơn nữa (last but not least) là tôi (Đỗ Văn Xê) đã dự đoán trước là có thể xảy ra sự cố khi Bộ tập trung dữ liệu về một mối nên đã yêu cầu các chuyên viên CNTT của ĐHCT chuẩn bị trước. Sự lo lắng này càng lộ được khẳng định hơn nữa khi đến cuối ngày 21-7-2015 mà hệ thống của Bộ vẫn chưa hoạt động được nên tôi đã chỉ đạo cán bộ của tôi bắt tay ngay vào việc thiết kế hệ thống dự phòng để có thể sẵn sàng tiếp ứng với Bộ GD&ĐT khi cần thiết. Lúc này tôi đang công tác ở Thái Lan nhưng vẫn phải làm việc online để theo dõi và điều hành xử lý việc quan trọng này. Để hệ thống hoàn thành được nhiệm vụ chỉ có sức người thì chưa đủ mà còn phải có cơ sở vật chất đủ mạnh. Chúng tôi đã tập trung 5 server mạnh nhất của trường để phục vụ việc này. Hy vọng hệ thống sẽ chạy ổn định và phục vụ tốt mọi người.
Có thể xem đây là những "chuyện qua rồi mới kể" nhằm mục đích để mọi người hiểu rõ bản chất của sự việc và cũng nhằm góp ý với lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần sâu sát hơn với công việc, không nên dựa hoàn toàn vào cấp dưới.
Cuối cùng, mục đích của tôi khi viết bài này là nhằm yêu cầu Bộ GD&ĐT đưa thêm vào logo phía bên dòng chữ "Bản quyền thuộc về Bộ GD&ĐT" một dòng chữ: "Hệ thống này đang vận hành trên máy chủ của trường ĐHCT" để mọi người không hiểu nhầm là hệ thống này vận hành trên mạng của Bộ GD&ĐT hoặc trên mạng của Viettel. Làm như vậy ngoài việc thể hiện sự minh bạch, công bằng còn giúp Bộ tránh được tai tiếng nếu có trục trặc xảy ra tại hệ thống này.
“Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”
(Nguyễn Du).
Cuối bài viết, PGS-TS Đỗ Văn Xê cho biết là Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ sẽ gởi công văn chính thức đến Bộ GD&ĐT về việc này.
Bình luận (0)