Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết hiện trên địa bàn còn 36 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong đó, 10 điểm mới phát sinh trong năm 2016 và 7 điểm đang trong quá trình theo dõi.
Giảm giao cắt, tăng lưu lượng xe
Theo đó, Sở GTVT đang nghiên cứu điều chỉnh đường một chiều theo giờ trên đường Phan Đình Phùng (đoạn từ Cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận). Hiện đường này đang là một chiều dành cho ô tô và 2 chiều cho mô tô, xe máy. Thời gian tới sẽ điều chỉnh thành 2 chiều cho ô tô đi vào buổi sáng, buổi chiều giữ nguyên.
Theo ông Đường, việc điều chỉnh này nhằm giảm ùn tắc giao thông cho đường Nguyễn Văn Trỗi và các đường lân cận. Ngoài ra, đường Nguyễn Kiệm (đoạn giao với đường Hoàng Văn Thụ) đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đang là đường một chiều cũng sẽ được điều chỉnh lưu thông theo giờ. Cụ thể, buổi sáng, khi lượng phương tiện lưu thông đông sẽ lưu thông 2 chiều cho mô tô, xe máy; một chiều cho ô tô. Buổi chiều thì phân luồng trở lại như hiện nay. Sở GTVT cũng đang kết hợp với các đơn vị cơ sở rà soát lại tình hình giao thông trên toàn địa bàn để tiếp tục phân luồng, nhằm khai thác hiệu quả nhất cơ sở hạ tầng hiện có.
Trước đó, Sở GTVT đã thí điểm tổ chức lưu thông một chiều trên đường Lê Quang Định (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường nối Lê Quang Định với đường Nguyên Hồng) theo hướng từ đường Phạm Văn Đồng đến đường nối. Tổ chức một chiều ở đoạn nối từ đường Lê Quang Định với đường Nguyên Hồng, cho lưu thông theo hướng từ đường Lê Quang Định đến đường Nguyên Hồng. Sau điều chỉnh như trên, tình hình giao thông trên các tuyến này được cải thiện.
Cũng theo Sở GTVT, thời gian qua, có 7 tuyến đường một chiều tại vòng xoay Lăng Cha Cả như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh… ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể. “Việc phân luồng thành một chiều sẽ giảm các điểm giao cắt và tăng lưu lượng xe nên sẽ ít xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông hơn” - ông Đường nhấn mạnh.
Hiện TP HCM có khoảng 8.000 tuyến đường nhưng chỉ có 79 tuyến đường một chiều. Đây là một con số rất thấp. Do đó, trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh thêm một số tuyến đường từ 2 chiều thành một chiều.
Không cân xứng
Nói về việc điều chỉnh tình hình lưu thông trên một số tuyến đường theo giờ, Sở GTVT cho biết hiện lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường vào những giờ cao điểm không cân xứng dẫn đến một số tuyến đường trở nên quá tải, trong khi nhiều tuyến đường khác lại quá ít phương tiện lưu thông. Do đó, để khai thác hiệu quả các tuyến đường, sắp tới sẽ nghiên cứu điều chỉnh để các phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường theo giờ.
Cụ thể, vào giờ cao điểm buổi sáng, một số tuyến đường cửa ngõ TP có số lượng phương tiện lưu thông đông sẽ điều chỉnh lưu thông một chiều. Sau giờ cao điểm có thể lưu thông 2 chiều. Giờ cao điểm, buổi chiều và các ngày lễ, khi số lượng phương tiện lưu thông hướng từ trung tâm ra ngoại thành đông thì sẽ điều chỉnh ngược lại.
Các tuyến đường trung tâm TP cũng sẽ được theo dõi để điều chỉnh theo giờ phù hợp, tùy thuộc tình hình từng tuyến đường và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.
Tổ chức phân luồng theo ngày chẵn, lẻ
Theo Sở GTVT TP HCM, hệ thống hạ tầng giao thông TP chủ yếu do lịch sử để lại, năng lực khai thác thấp, không đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng của phương tiện giao thông và khối lượng vận tải hàng hóa, nhất là khu vực trung tâm. Trong khi đó, quy hoạch và phát triển đô thị chưa thật sự đồng bộ. Do đó, trong năm 2017 sẽ tiến hành nghiên cứu, tổ chức một chiều các cặp đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ, Phan Văn Trị - Lê Quang Định. Tổ chức lại giao thông nút giao Hàng Xanh, giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương và đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), giao lộ Chánh Hưng - Hưng Phú (quận 8). Đối với khu vực trung tâm TP sẽ nghiên cứu tổ chức một chiều đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn. Cấm taxi lưu thông theo giờ trên đường Lê Thánh Tôn và Lý Tự Trọng, cấm xe tải lưu thông 24/24 giờ trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), Nguyễn Tất Thành (quận 4), tổ chức giao thông một số tuyến đường theo ngày chẵn, lẻ.
Hiện tính đến hết năm 2016, tổng cộng chiều dài các tuyến đường của TP khoảng 4.155 km, đạt mật độ 1,98 km/km2. Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, mật độ phải là 10-13,3 km/km2. Đến hết ngày 15-11, TP đang quản lý tổng cộng 7.857.088 phương tiện (trong đó có 615.395 ô tô, 7.241.693 mô tô), tăng 5,89% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 60,8% so cuối năm 2010. Ngoài ra, còn có khoảng trên 1 triệu phương tiện các loại từ các tỉnh khác vào dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Ông Trần Hữu Lương - ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM:
Cần lấy ý kiến người dân!
Việc điều chỉnh lưu thông một chiều là cần thiết vì thực tế, nhiều khi chỉ vì một vài phương tiện quay đầu là cả đoạn đường dài ùn tắc, nhất là ô tô, xe khách. Đường một chiều sẽ hạn chế được vấn đề này. Tuy vậy, việc điều chỉnh chỉ nên áp dụng tại các tuyến đường chính, các tuyến đường cửa ô thì không nên vì như vậy chẳng khác gì bít đường đi.
Nhiều người dân cho rằng từ khi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thành đường một chiều, họ phải đi xa hơn gần 2 km nhưng ít kẹt xe hơn. Tuy vậy, một số người cũng phàn nàn vì chưa quen với sự điều chỉnh này. Nên lấy ý kiến người dân cũng như thông báo trước một thời gian để người dân biết và thay đổi thói quen từ từ chứ đùng một cái cấm liền thì rất bất tiện, nhất là sáng sớm, khi đưa con đi học mà cứ chạy vòng vòng rất khó chịu.
Ông Võ Văn Vương - ngụ quận 12, TP HCM:
Bất tiện!
Nhiều người sống trên đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp) cho rằng khi phân luồng một chiều tại một số tuyến đường như Lê Quang Định, Nguyễn Kiệm thì các phương tiện sẽ dồn về các tuyến đường khác nên không giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông. Đường Trường Chinh - Cộng Hòa là trục chính nối các huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, Tân Phú, Tân Bình, huyện Bình Chánh. Từ các quận - huyện này, muốn vào trung tâm TP thì chỉ lưu thông theo hướng này là gần nhất. Nếu thành đường một chiều sẽ rất bất tiện, còn không thì đi xa đến cả gần 10 km để ra các tuyến đường khác như Quốc lộ 1, Phạm Văn Đồng rồi vòng trở lại.
Ông Nguyễn Việt Bách - cựu cán bộ ngành giao thông:
Phải điều nghiên, tính toán kỹ
Để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực giao lộ xa lộ Hà Nội - đường Thảo Điền (quận 2), Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 phối hợp Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP tiến hành khôi phục tuyến đường băng ngang hành lang bảo vệ tuyến đường ống cấp nước D2000 xa lộ Hà Nội. Việc này được cho biết là nhằm điều tiết một phần số ô tô dưới 16 chỗ và xe tải dưới 1,5 tấn từ đường Thảo Điền theo đường song hành xa lộ Hà Nội ra đường hỗn hợp xa lộ Hà Nội. Sau khi việc khôi phục hoàn thành, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã tổ chức lại giao thông tuyến đường trên, cụ thể lưu thông một chiều đường cho các ô tô khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 1,5 tấn lưu thông từ đường song hành xa lộ Hà Nội theo đường nối ra đường hỗn hợp xa lộ Hà Nội; trên phần đường hỗn hợp xa lộ Hà Nội cấm tất cả phương tiện rẽ phải vào đường nối ra xa lộ Hà Nội; trên đường nối ra xa lộ Hà Nội cấm tất cả phương tiện rẽ trái ra đường hỗn hợp xa lộ Hà Nội; hạn chế tất cả phương tiện có chiều cao lớn hơn 2,1 m từ đường song hành xa lộ Hà Nội vào đường kết nối để ra xa lộ Hà Nội bằng khung hạn chế chiều cao 2,1 m. Việc ùn tắc được giải quyết.
Nói như vậy để thấy giải quyết ùn tắc ở những tuyến đường hay nút giao thông cụ thể là cần sự điều nghiên rất kỹ, tính toán cụ thể, phối hợp nhiều động thái chứ không chỉ giản đơn kiểu cấm lưu thông buổi sáng rồi buổi chiều trả lại nguyên trạng. Làm như thế thì người dân rất khó để tránh không vô tình vi phạm khi lưu thông. Việc tuyên truyền để dân chúng hiểu và chia sẻ là đương nhiên nhưng phải thấy một thực tế là người dân ngoài tỉnh vào TP HCM rất nhiều, kể cả dân TP cũng không phải ai cũng một sớm một chiều là tiếp cận được những thông tin về sự thay đổi, sắp xếp giao thông trên các tuyến đường. Vì vậy, rất cần sự ổn định chứ thay đổi liên tục thì sẽ nhiều hệ lụy.
Đ.Thành - L.Duy ghi
Bình luận (0)