Bộ Công Thương đang quyết liệt tinh giản các tổng cục, vụ, ban... Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền hành chính quốc gia. Không mừng sao được khi lâu nay bộ máy hành chính ngày càng phình to gây không ít hệ lụy cho chính nền hành chính.
Nhiều đầu mối, họp hành nhiều
Dễ thấy nhất, chủ trương tinh giản biên chế lâu nay không thành công là do bộ máy hành chính phình to. Tổ chức trong các bộ, ngành cũng rất phức tạp, với rất nhiều tổ chức “con” như cục, vụ, viện, đơn vị sự nghiệp có thu. Trên thực tế, nhiều bộ ngành, cơ quan, đơn vị vẫn tìm cách phình to bộ máy, tạo thêm áp lực cho ngân sách nhà nước. Với đà này thì ngân sách nào kham nổi?
Từ năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Nhưng sau 5 năm thực hiện, năm 2012, tổng số cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện tăng 42.000 người, cán bộ, công chức cấp xã tăng 14.000 người. Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012.
Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (QH) trao đổi với báo chí trong kỳ họp QH thứ 8, khóa XIII cho rằng thực tế đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế chẳng những không giảm mà còn tăng thêm 20% và là điều khó chấp nhận.
Vì muốn có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế nên người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết phải thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia. Thêm vào đó nữa là do thiết kế mô hình tổ chức không khoa học, thêm bớt cơ quan, bộ máy tùy tiện. Cứ theo cái đà ấy, nhiều năm, nhiều cơ quan, nhiều ngành phình to, kéo theo tăng biên chế, khó mà giảm được. Cũng từ đó sinh ra một bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, đùn đẩy trách nhiệm. Số lượng vào biên chế nhà nước ngày càng đông, ngân sách nào chịu nổi mà công chức vẫn luôn kêu ca lương ít, khó tăng lương nên công chức thiếu động lực sinh ra nhiều “khuyết tật”.
Cũng rất dễ thấy hiện nay số lượng các cơ quan, cục, vụ, viện, ban trong từng bộ, ngành quá nhiều, đưa đến hệ quả là khó điều hành. Trong khi đó, theo khoa học tổ chức thì một cấp quản lý điều hành hiệu quả trong khoảng 7-9 đầu mối nên với tình hình này sẽ không tránh khỏi chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Tăng đầu mối, quản không xuể đưa đến nạn tự tung tự tác, mà muốn quản được thì phải tăng số lượng lãnh đạo nên nhiều bộ phải có 7-8 thứ trưởng trong khi quy định chỉ cho phép 3-4 vị; tốn kém phòng ốc, phương tiện phục vụ.
Nhiều đầu mối chồng chéo trách nhiệm nên sinh ra họp hành nhiều, mất thì giờ, không có thời gian đi cơ sở nên dẫn đến quan liêu, xa rời thực tế, không có thời gian suy nghĩ những vấn đề chiến lược nên tham mưu hời hợt, thiếu tầm nhìn, chưa kể là tham mưu sai.
Muốn khắc phục tình trạng nói trên thì phải từ việc xác định, làm rõ chức năng nhiệm vụ để định hình tổ chức bộ máy sao cho không bỏ sót đầu việc, mỗi đầu việc chỉ có một cơ quan chịu trách nhiệm. Trong mỗi cơ quan phải xác định cần bao nhiêu vị trí việc làm để từ đấy sắp xếp biên chế mới chính xác không thừa, không thiếu.
Phải đánh giá công tâm
Tuy nhiên, muốn cắt giảm hay sắp xếp lại bộ máy để tinh giản biên chế không phải là chuyện dễ, vì liên quan đến rất nhiều vấn đề từ thể chế bộ máy đến các chính sách xã hội. Trước tiên phải xác định rõ ràng và hoàn thiện bộ máy nhà nước lẫn cả hệ thống chính trị. Bộ máy phải có chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể, cần bao nhiêu người đảm nhiệm.
Gần 20 năm thực hiện cải cách hành chính, dù đã nỗ lực nhưng chúng ta vẫn không tránh được chồng chéo, nhiều đầu mối, nhiều cơ quan, chức năng, nhiệm vụ giẫm chân lên nhau. Việc Bộ Công Thương tiên phong thực hiện tinh giản bộ máy là xu thế khách quan, chúng ta có quyền kỳ vọng và nhà nước có thể nhân rộng, áp dụng cho các bộ, ngành còn lại. Tuy nhiên, điều tiên quyết là phải thực hiện trên một đề án nghiên cứu bài bản có tính khoa học cao và cần tính minh bạch, tính hệ thống và tính đồng bộ. Phải xây dựng lại kỷ cương, kỷ luật, đánh giá công tâm, công khai tiêu chí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cương quyết tránh nể nang hay né tránh, ngại va chạm thì mới có thể thực hiện được.
Học cách làm của Nhật Bản
Người Nhật có một kinh nghiệm rất hay khi gọi việc này là “trò chơi luôn luôn bằng 0”. Theo đó, họ quy định bộ nào muốn lập thêm một cơ quan thì phải giảm một cơ quan, tăng thêm bao nhiêu biên chế cũng được nhưng bắt buộc phải giảm bằng ấy số người xin tăng. Như vậy, rốt cuộc số tăng/giảm con người và bộ máy luôn bằng 0.
Bà Đinh Thị Hồng Minh, đại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi:
Không ngại đụng chạm
Tôi cho rằng việc Bộ Công Thương tinh giản các tổng cục, vụ, viện là một cách làm hay, cần nhân rộng ở các địa phương, các bộ, ngành khác. Thực tế, hiện nay ở rất nhiều cơ quan, đơn vị có tình trạng dư thừa cán bộ, bộ máy hành chính khá cồng kềnh nên việc tinh giản là cần thiết. Khi thực hiện tinh giản, nhất thiết không ngại đụng chạm, không vì lợi ích cá nhân… Tại tỉnh Quảng Ngãi vừa qua cũng đã có việc sáp nhập Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi thành một đơn vị. Đây cũng là một bước tinh giản nhằm tạo hiệu quả tối đa trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Ông Trần Tuấn Lợi, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng:
Tùy thuộc vào tình hình
Việc tinh giản biên chế phải xuất phát từ thực tế của các cơ quan, ban, ngành và thực hiện phải phù hợp. Hiện nay, hầu hết các cơ quan, ban, ngành ở TP Đà Nẵng cũng đều cho rằng đang thiếu nhân lực và muốn xin thêm.
Tuy nhiên, theo chủ trương chung của cả nước là tinh gọn bộ máy nên hầu hết các cơ quan đều phải chịu tinh giản hoặc đề xuất giữ nguyên biên chế. Trước chủ trương của Bộ Công Thương, tôi tin rằng bộ này sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện thế nào thì phải tùy thuộc vào tình hình hoạt động và nhân sự của bộ này.
Đối với việc tinh giản mà quyết liệt với thành phần “con ông cháu cha” thì riêng ở TP Đà Nẵng cũng bàn bạc nhiều. Tại các cuộc họp, nhiều đại biểu cũng băn khoăn việc tinh giản có thực hiện đối với các nhân sự có yếu tố thân quen, con cháu người này người kia hay không. Riêng tôi nghĩ rằng mỗi cơ quan khi tinh giản cần phải xem xét thực tế hoạt động, bộ phận nào cần thiết phải tinh gọn để bảo đảm hoạt động mà giảm được sự cồng kềnh trong bộ máy thì phải làm ngay.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa:
Phải làm đồng bộ
Không riêng Bộ Công Thương, cả hệ thống chính trị phải làm đồng bộ, không thể bộ này “nặng” mà bộ kia “nhẹ”. Tất cả các bộ, ngành phải quyết tâm làm thì mới có đội ngũ cán bộ tốt. Phải xem công tác cán bộ là cái gốc.
Khi thực hiện tinh giản chắc chắn sẽ “đụng chạm” đến nhiều vị trí. Nhưng bây giờ phải tiến bộ. Con ông cháu cha mà làm không được thì cũng thôi. Không có vùng cấm! Cần nghiêm túc kiểm tra lại vị trí, việc làm của từng người xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không?
Lâu nay tồn tại việc nể nang, phê và tự phê không nghiêm túc. Ông này nói sợ đụng chạm ông kia thì mới nảy sinh nhiều sự việc tiêu cực. Đây là cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mình không làm nặng nề, phải “đấu tố” ông này ông kia nhưng bản thân mỗi người phải kiểm tra lại việc thực hiện chức trách của người cán bộ có bảo đảm hay không.
Ông Ngô Truyện, Giám đốc Sở Nội vụ, đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa:
Giảm có đối tượng rõ ràng
Tại tỉnh Khánh Hòa, mỗi năm tinh giản cán bộ với tỉ lệ 1,5% theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức). Trong năm 2016 sẽ tinh giản 33 biên chế. Việc tinh giản được từng cơ quan xây dựng đề án, đưa ra thảo luận, giảm ai, giảm chỗ nào sau khi thống nhất thì mới giảm.
“Nhiều người cứ nói “giảm ai thì giảm, con cán bộ không giảm”, quan điểm của Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa là không có cái kiểu như vậy. Giảm là giảm có đối tượng rõ ràng. Còn có những câu chuyện ở đâu đó rồi lấy đó làm cá biệt, đánh giá cái chung thì không hay, không nên.
T.Trực - B.Vân - K.Nam ghi
Bình luận (0)