Sau khi khởi đăng vệt bài "Điên đầu với thú nuôi", nhiều bạn đọc gửi ý kiến tới Báo Người Lao Động với mong muốn chung tay xây dựng không gian sống cùng cách hành xử văn minh.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương
Bạn đọc Nguyễn Bảo Nghi (quận 1, TP HCM) nhận xét nuôi thú cưng tại khu dân cư, chung cư nếu không được quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến những vấn đề về ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Việc thiếu quy định cụ thể từ pháp luật càng khiến cho vấn đề này trở nên nhức nhối và cần được giải quyết triệt để.
Quy định chặt, xử lý nghiêm
Luật sư Lê Văn Dũng, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, nêu ý kiến với bối cảnh đô thị nén, mật độ dân cư đông đúc, sự bất cập ở khâu quản lý vật nuôi đang được nhìn nhận theo vụ việc đơn lẻ. Trong khi đó, việc nuôi thú cưng tại khu đô thị, chung cư thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ - từ mất an toàn cho cư dân, môi trường, dịch bệnh đến an ninh trật tự.
Chính quyền địa phương cần có sự chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở những quy định có sẵn, đồng thời đề cao trách nhiệm của chủ vật nuôi để có sự chấp hành tốt. Về phía chung cư, quản trị chung cư cần cụ thể hóa chức năng của mình bằng cách ban hành nội quy, quy định về quản lý việc nuôi thú cưng của các hộ dân; phối hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời trường hợp vi phạm quy định về nuôi thú cưng.
Là cấp quản lý tại địa phương, UBND quận - huyện, UBND xã - phường đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm trật tự đô thị, môi trường và sức khỏe cộng đồng, do đó phải có trách nhiệm trong quản lý nuôi thú cưng tại khu dân cư, chung cư.
Căn cứ Luật Chăn nuôi và các văn bản pháp luật liên quan, những cấp này cần ban hành quy định cụ thể về nuôi thú cưng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nuôi thú cưng văn minh, trách nhiệm.
Bạn đọc Vinh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết mình sống ở chung cư; nhiều lúc thấy cư dân thả thú cưng chạy nhảy thì bất an trước nguy cơ bị tấn công, bệnh dại hoặc phóng uế. "Người ta có quyền nuôi chó nhưng đừng gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng, cần có dây xích, rọ mõm hay để chúng vào túi và canh chừng cẩn thận" - bạn đọc Vinh nêu ý kiến.
Lan Anh, sinh viên Trường Đại học Văn Lang, nói mình trong nhóm bảo vệ động vật chó, mèo. Nhiều thú cưng hiện nay nhóm tiếp nhận cứu hộ, chăm nuôi chủ yếu là bị lạc chủ hoặc bị chủ bỏ rơi. Theo bạn, để tránh để chúng đi lạc, trở thành nguồn nguy hiểm từ dịch bệnh đến tiếng ồn thì bên cạnh sự tự giác của chủ nuôi, cơ quan chức năng nên thực hiện biện pháp quản lý cứng rắn. Gom con vật thả rông, chế tài nặng với chủ nuôi lơ đãng là 2 trong nhiều việc nên làm triệt để.
Hoàn thiện quy định
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM cho hay đến cuối tháng 2-2024, thành phố có trên 184.160 con chó, mèo được nuôi tại 105.752 hộ. Thú nuôi không chỉ mang lại niềm vui và sự gắn kết trong gia đình mà còn tác động tích cực đến sức khỏe và cảm xúc của con người.
Tuy nhiên, việc quản lý vẫn còn nhiều thách thức và vấn đề phải giải quyết khi gây nhiều tác động tiêu cực về môi trường, mùi hôi, tiếng ồn, lây lan các mầm bệnh, làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. Ngoài ra, nhiều trường hợp chó gây ồn ào, tấn công người, chạy ra đường gây tai nạn giao thông.
Cũng theo Sở NN-PTNT, thời gian qua phát sinh nhiều trường hợp nuôi chó với số lượng lớn, từ đó phát sinh đơn thư khiếu nại kéo dài từ người dân mà chưa giải quyết đứt điểm được là vì còn hạn chế về căn cứ, quy định để xử lý.
Để quản lý chặt chẽ và xử lý các vi phạm, Sở NN-PTNT TP HCM đã có văn bản gửi UBND thành phố về chấp thuận chủ trương xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn. Một trong những nội dung đầu tiên của quy định là trách nhiệm của chủ vật nuôi; trong đó, bên cạnh việc bắt buộc đăng ký nuôi, các hộ nuôi được khuyến khích gắn microchip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan.
Quản lý vệ sinh môi trường, quản lý tiếng ồn, yêu cầu về điều kiện nuôi… là những nội dung quan trọng khác trong đề xuất của Sở NN-PTNT TP HCM. Quy định tạm thời này dự kiến được xem xét, thông qua vào quý IV năm nay.
Sự chủ quan đáng trách
Thường ăn điểm tâm ở một quán phở bình dân khá ngon và đắt khách, điều tôi không hài lòng và thấy bất an là vợ chồng chủ quán nuôi nhiều chó. Có đến 5 chú chó đi, đứng, nằm, ngồi khắp quán, án ngữ cả lối ra vào. Vài lần đến sớm, tôi còn thấy chúng nằm trên bàn ăn dành cho khách.
Tôi góp ý với chị chủ quán nên nhốt lại trong thời gian quán bán để bảo đảm về mặt vệ sinh cũng như giảm thiểu nguy cơ chúng thình lình hung dữ nhưng chị bảo không sao vì chó quen người nên rất hiền. Sau đó, một bé gái vô tình giẫm trúng chân chó rồi bị táp...
Tôi nghĩ để việc nuôi chó thật sự vì nhu cầu, niềm vui thì chỉ nên nuôi nhiều lắm là 2 con nhưng nhất định khi nuôi phải có trách nhiệm với cảm xúc của những người xung quanh.
Bạn đọc Thanh Vân
Bình luận (0)