Tại Đức, quốc gia dẫn đầu châu Âu về lắp đặt năng lượng mặt trời, các tấm pin được lắp ở khoảng 1,5 triệu ban-công, phổ biến tới mức nó được đặt tên là Balkonkraftwer (tạm dịch là nhà máy điện ban-công). Các nhà sản xuất cho hay việc lắp vài tấm pin năng lượng mặt trời công suất 300 W sẽ giúp một hộ gia đình thông thường tiết kiệm 30% tiền điện mỗi tháng. Với chi phí đầu tư 400-800 euro (tương đương khoảng 10,6-21,2 triệu đồng), chưa tính phí lắp đặt, các nhà máy điện ban-công này sẽ hoàn vốn trong vòng 6 năm.
Ông Santiago Vernetta, Giám đốc điều hành Tornasol Energy - một trong những nhà cung cấp tấm pin mặt trời lớn của Tây Ban Nha, cho hay ưu điểm của điện mặt trời ban-công là nhỏ gọn, giá thành rẻ, điện hòa lưới trực tiếp thông qua bộ chuyển đổi nên không mất chi phí lắp đặt. Ở Tây Ban Nha, nơi 2/3 dân số sống trong căn hộ chung cư có ban-công và việc lắp tấm pin mặt trời mái nhà cần được đa số dân cư trong tòa nhà đồng ý, phương án lắp pin mặt trời ở ban-công có lợi thế rõ ràng.
Theo tờ Guardian, tổng diện tích bề mặt thẳng đứng của các đô thị lớn hơn nhiều so với diện tích mái nhà. Riêng tại Tây Ban Nha, tấm pin ở ban-công được nắng chiếu nhiều hơn so với pin mái nhà vào mùa đông. Một số thành phố như thủ đô Helsinki - Phần Lan đang thử nghiệm lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời vào các tòa nhà.
Điện mặt trời ban-công cũng ngày càng phổ biến ở Pháp. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Chuyển đổi Sinh thái, Pháp đã triển khai 3,5 GW điện mặt trời trong 3 quý đầu năm nay, cao hơn so với 2,3 GW trong cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, Bỉ cũng sẽ sớm dỡ lệnh cấm người dân tự lắp đặt các thiết bị điện mặt trời.
Bình luận (0)