Ngày 6-8, tại Quốc lộ 9, đoạn qua thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), lực lượng công an đã đón 2 xe tải chở hàng chục cây sau sau để kiểm tra...
Có hợp đồng,hóa đơn bán hàng?
Tài xế của các phương tiện trên trình đầy đủ hợp đồng mua bán, hóa đơn bán hàng, biên bản thanh lý của toàn bộ số cây trên và cho rằng việc vận chuyển hợp lệ. Tuy nhiên, điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy sự thật khác.
Đầu tháng 8, phóng viên nắm được thông tin nhiều người vào khu vực công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị để đào bứng cây sau sau trái phép. Khu vực bị đào bới thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa.
Chiều tối 3-8, phóng viên có mặt tại cuối con đường dẫn vào "Tuyệt tình cốc" ở xã Hướng Linh. Cuối đường này giáp với lòng hồ thủy lợi - thủy điện Quảng Trị. Lúc này, dưới lòng hồ đang có 2 chiếc ghe chứa khoảng 10 cây sau sau dài 6-8 m, đường kính 10-15 cm, bầu rễ được bó chặt bằng lưới. Trên 2 chiếc ghe có khoảng 7 người đàn ông.
Cùng thời điểm trên, xe tải cẩu mang tên Hồ Đạt BKS 74C-120... từ bên ngoài chạy vào, tiếp cận 2 chiếc ghe. Sau đó, toàn bộ số cây sau sau được cẩu lên thùng xe và di chuyển ra đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Đến 18 giờ cùng ngày, xe tải cẩu cùng số cây trên tấp vào kho nhà máy cán tôn Hồ Đạt ở ngã ba Tượng đài Khe Sanh.
Phóng viên theo dõi trọn một đêm nhưng cửa nhà kho này đóng im ỉm. Đến khoảng 6 giờ 30 phút ngày 4-8, xe tải mới rời nhà kho, vòng vào một số tuyến đường ở thị trấn Khe Sanh rồi tiến ra Quốc lộ 9, chạy lên hướng thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa). Xe chạy như bay trên quốc lộ nhưng không hề có sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Khoảng 1 giờ sau, xe tấp vào một kho bãi nằm ở ngã ba đường Hoàng Diệu (thị trấn Lao Bảo), cẩu toàn bộ cây xuống bãi đất trống trong kho này rồi rời đi. Trong ngày 5-8, xe tải trên tiếp tục chở thêm 2 chuyến cây sau sau đến tập kết tại kho bãi này.
Đến khoảng 9 giờ ngày 6-8, vẫn tại bãi tập kết này, xe cẩu bốc toàn bộ cây đưa lên 2 ô tô BKS 74C-013... và 74C-070... Các phương tiện sau đó ra Quốc lộ 9, lưu thông về hướng thị trấn Khe Sanh.
Clip xe Hồ Đạt vận chuyển cây từ rừng ra điểm tập kết
Nhận tin báo, lực lượng Công an huyện Hướng Hóa đã dừng 2 ô tô trên để kiểm tra. Qua kiểm tra, tài xế cho biết đang chở thuê 40 cây sau sau từ thị trấn Lao Bảo đến tỉnh Phú Thọ để bàn giao. Các tài xế cũng cung cấp hợp đồng mua bán, hóa đơn bán hàng và biên bản thanh lý hợp đồng của số cây nói trên. Sau khi công an kiểm tra, các phương tiện này được di chuyển.
Điều đáng nói là trái với ghi nhận của chúng tôi, trong hóa đơn bán hàng, toàn bộ số cây trên là do một phụ nữ tên L.T.N (địa chỉ tại phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cung cấp cho bên mua là hộ kinh doanh H.Q.V (địa chỉ xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa) với tổng số tiền gần 8 triệu đồng. Tức là số cây sau sau trên được cung ứng từ TP Đà Nẵng ra tỉnh Quảng Trị.
Triệt hạ tận gốc
Để làm rõ nguồn gốc số cây xanh nói trên, trong ngày 4-8, phóng viên đã vào hiện trường khai thác cây sau sau tự nhiên thuộc địa bàn xã Hướng Linh.
Qua theo dõi, trong ngày có khoảng 8 người đàn ông đang đào bứng các cây sau sau, sau đó chặt gọn cành, bó chặt bầu rễ bằng các bao lưới. Tiếp đó, những người này dùng trục bánh xe đưa số cây đã đào bứng xuống mép lòng hồ thủy lợi - thủy điện Quảng Trị, rồi đưa cây lên 2 chiếc ghe và vận chuyển về địa điểm tập kết, giao hàng.
Khu vực cây sau sau bị đào bứng có rất nhiều cây rừng tự nhiên. Nhiều cây đã được đào gốc, cắt rễ nhưng chưa bó bầu, nằm nghiêng ngả. Nhiều khoảnh rừng loang lổ vết đào bới.
Trong quá trình thực địa gần khu vực bị đào bứng cây, phóng viên gặp một nhóm khoảng 5 người đang cưa hạ cây rừng tự nhiên. Tiếng máy cưa gầm rú, từ cây to đến cây nhỏ thi nhau đổ rạp. Gỗ sau khi cưa hạ được tập kết thành từng đống lớn để xe vận chuyển ra bên ngoài.
clip Triệt hạ cây tự nhiên trái phép
Thấy chúng tôi, một thanh niên tới bắt chuyện, nói đã cưa hạ cây rừng khoảng 3 ngày qua. Cây rừng sau khi cưa hạ được vận chuyển, bán cho nhà máy dăm gỗ. Ngoài nhóm của anh, còn một nhóm khác cũng cưa hạ cây rừng.
Tưởng chúng tôi là lực lượng chức năng đi kiểm tra, thanh niên này lấy 100.000 đồng dúi vào tay chúng tôi rồi nói: "Gửi anh tiền đổ xăng". Không thuyết phục được chúng tôi nhận tiền, thanh niên này lẳng lặng rời đi.
Men theo vết bánh xe đi sâu vào rừng là hình ảnh hàng loạt cây bị cưa hạ tận gốc. Gỗ đã được chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn gốc và cành ngọn...
Không được khai thác, vận chuyển
Qua xác minh bước đầu, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết từ tọa độ phóng viên cung cấp, xác định khu vực đào bứng cây sau sau thuộc loại đất khác ven lòng hồ thủy điện và đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp. Cây bị đào bứng thuộc cây mọc tái sinh tự nhiên.
"Trường hợp cây sau sau nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (quy hoạch lâm nghiệp) thì không thuộc thẩm quyền xử lý về lĩnh vực lâm nghiệp. Trường hợp đất quy hoạch lâm nghiệp có cây tái sinh tự nhiên thì không được phép khai thác, vận chuyển. Để làm rõ sự việc, chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh cụ thể" - người này nói.
Bình luận (0)