Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ muốn tìm những bối cảnh mới, độc đáo để hiện thực hoá trí tưởng tượng về một dị bản kinh dị của truyện cổ tích "Tấm Cám". Quá trình chọn bối cảnh kéo dài khoảng 3 tháng, cuối cùng, ê-kíp quay ở Huế và Quảng Trị.
Hậu trường bối cảnh phim điện ảnh Cám
"Chúng tôi đặc biệt muốn quay ở Quảng Trị bởi vì dường như hiếm có phim điện ảnh chọn nơi này làm bối cảnh" - nhà sản xuất Hoàng Quân nói.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết phim "Cám" có 4 bối cảnh chính, 3 trong đó ở Quảng Trị, bao gồm: đình làng Hà Trung, đầm sen Trường Phước và rừng tràm ngập mặn ở Quảng Trị.
Đình làng Hà Trung là nơi ghi hình cảnh ngày hội, cũng như một số sinh hoạt quan trọng trong làng. Nơi đây lưu giữ được nhiều kiến trúc cổ phù hợp cho bộ phim cổ trang. Đình làng Hà Trung sở hữu kiến trúc nhà rường đặc trưng của Việt Nam với hệ thống cột, kèo gỗ chắc chắn.
Theo Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, làng Hà Trung được tạo lập vào cuối thế kỷ 15. Đến thế kỷ 19, ngôi làng trải qua một cuộc đại trùng tu. Đây được xem là không gian văn hoá đi cùng lịch sử làng, cũng như thể hiện nghệ thuật kiến trúc đình làng của vùng đất này.
Đầm sen Trường Phước thuộc huyện Hải Lăng, nổi bật với hồ sen bạt ngàn. Đạo diễn Trần Hữu Tấn tiết lộ đoàn phim đã ghi hình hai cảnh quan trọng ở đây: phân đoạn Tấm, Cám cùng tắm ở ao sen và cảnh quay Tấm có điệu múa trên ao sen.
Rừng tràm ngập mặn thuộc huyện Gio Linh được chọn vì phù hợp với phân đoạn rừng hiến tế.
Ở Huế, phim quay tại làng cổ Phước Tích. Ngôi làng cổ hơn 500 năm, có nhiều ngôi nhà cổ đậm chất kiến trúc của nhà rường độc đáo.
Làng cổ Phước Tích được thành lập từ nhiều thế kỷ trước dưới triều Lê, hiện nằm cách Thành phố Huế khoảng 40km về phía Bắc. Đây là ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước công nhận, cấp bằng Di tích Quốc gia, sau làng Đường Lâm - Hà Nội. Ngoài những ngôi nhà cổ, làng còn có cảnh quan thiên nhiên yên bình với nhiều cây xanh và sông nước, phù hợp để ghi hình một số cảnh sinh hoạt trong làng.
Ngoài ra, còn một điều đặc biệt thú vị là trong làng Phước Tích, còn có cây thị cổ thụ trên 600 tuổi có từ trước cả khi thành lập làng. Gốc thị cổ này được công nhận là cây di sản và chứng kiến nhiều thăng trầm của ngôi làng. Nhà sản xuất Hoàng Quân cho rằng đây là sự kết nối trùng hợp thú vị, dù đoàn phim Cám không trực tiếp ghi hình ở khu vực quanh miếu cây thị này.
Bình luận (0)