Đo nồng độ cồn
. Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM:
Phải hợp lý, hợp tình
Việc tổ chức ra quân kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện cả ngày lẫn đêm mang lại rất nhiều lợi ích, như giúp giảm số vụ tai nạn giao thông đáng kể, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân và giảm thiểu các tệ nạn xã hội…
Bên cạnh những mặt tích cực của việc đo nồng độ cồn, vẫn có những điểm chưa thật sự "hợp lý, hợp tình".
Một trong những tranh cãi lớn nhất đó là việc đo nồng độ cồn vào ban ngày và đã có rất nhiều trường hợp vi phạm "nhậu tối hôm trước, sáng hôm sau vẫn bị phạt". Với vi phạm thường thấy ở khung giờ ban ngày là mức 1 - dưới 0,25 mg/lít khí thở - khiến người dân phản ứng.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng cần phải khoa học, linh động, không cứng nhắc để tránh tình trạng lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Đồng thời, bảo đảm xem xét toàn diện các yếu tố khách quan khác như nguyên nhân gây ra tình trạng nồng độ cồn tăng cao. Tránh xảy ra tình trạng "bắt" nhầm, xử phạt sai, gây mất thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng công việc, chất lượng đời sống của người dân.
. Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn:
Coi chừng thành... làm phiền
Việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả nhất định, tác động mạnh đến ý thức người tham gia giao thông, giúp kéo giảm tai nạn, cũng như giúp xây dựng, phát triển văn hóa giao thông. Đây là kết quả không thể thuyết phục hơn của chủ trương "tham gia giao thông không uống rượu bia".
Tuy nhiên, cách thức kiểm tra nồng độ cồn thời gian qua vẫn tồn tại một số vấn đề chưa thật sự thuyết phục, chưa phù hợp văn hóa người Việt Nam.
Về hình thức lập tổ, chốt chặn vào ban ngày hàng loạt ô tô, xe máy để kiểm tra gây ách tắc giao thông, gây mất thời gian của người dân… là chưa hợp lý. Do đó, lực lượng CSGT và các ngành phối hợp khác (nếu có) cần nghiên cứu giờ giấc, tuyến đường, địa điểm của các chốt kiểm tra nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người dân tham gia giao thông.
Ngoài ra cũng cần lưu ý để tránh những trường hợp không sử dụng rượu, bia nhưng vẫn vi phạm nồng độ cồn khi đo khí thở do dùng trái cây, thức ăn lên men khác.
Đặc biệt, để đạt hiệu quả và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tránh tình trạng tập trung quyết liệt xử phạt trong thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy, việc kiểm tra nồng độ cồn cần được triển khai lâu dài, thường xuyên.
. Bà TRẦN HẢI YẾN, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP HCM:
Giữ xe hoặc hỗ trợ đưa khách về nhà
Việc bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông là rất quan trọng. Mặt khác, việc phát triển kinh tế thông qua hoạt động kinh doanh của hàng quán cũng là điều cần thiết.
Để hài hòa được, vấn đề đặt ra là bảo đảm an toàn cho người đã sử dụng thức uống có cồn khi tham gia giao thông.
Trên thực tế, nhiều người sau khi đã sử dụng rượu, bia vì chủ quan hoặc không đủ tỉnh táo để ý thức về việc phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ "Đã uống rượu bia thì không lái xe".
Do đó, điều cần thiết hiện nay là các cơ sở kinh doanh nên chủ động giữ xe cho khách hoặc hỗ trợ đưa khách về nhà an toàn thông qua các dịch vụ như xe ôm, taxi…
Đây là việc mà nhiều nhà hàng, quán ăn kinh doanh thức uống có cồn ở TP HCM chưa làm được.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, có nên cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Hình thành thói quen mới
Theo một cán bộ CSGT TP HCM, trong khi một số người đang phản ứng vì CSGT siết chặt đo nồng độ cồn thì thực tế thể hiện cách "nhậu văn minh" đang dần được lan tỏa.
Chiều tan sở, thay vì "lai rai" với đồng nghiệp, bạn bè, nhiều người đã chọn về nhà cùng gia đình, người thân.
Những người buộc phải tiếp khách hay muốn tìm kiếm thời gian khuây khỏa với bạn bè cũng tiết chế hơn thay vì "cháy hết mình" với những cuộc vui vì "ngại CSGT phạt".
Một số người sử dụng lý do "CSGT làm căng" để khéo léo từ chối "cạn ly" trong những cuộc vui vì dù không bị xử lý vi phạm nồng độ cồn sau buổi nhậu thì việc đi làm trong tình trạng "có cồn" vào ngày hôm sau cũng là đáng lo ngại.
Về một số ý kiến cho rằng việc CSGT đo nồng độ cồn vào buổi sáng làm mất thời gian của nhiều người, là cách làm khắt khe, cán bộ CSGT này cho rằng nếu quan sát kỹ sẽ thấy người dân bị kiểm tra nồng độ cồn không bị làm phiền. Bởi CSGT chỉ đo ngẫu nhiên khi phương tiện dừng đèn đỏ và chỉ tốn chừng 1-2 phút để thổi vào máy phát hiện cồn.
Như vậy, chỉ những người có vi phạm mới bị buộc dừng lại để CSGT đo mức độ vi phạm.
Về ý kiến cho rằng việc siết chặt đo nồng độ cồn ảnh hưởng đến nhà hàng, quán ăn, kinh tế về đêm, theo cán bộ CSGT này, phát triển kinh tế về đêm bền vững là chú trọng vào các hoạt động văn hóa lành mạnh chứ không phải chỉ có kinh doanh quán nhậu thâu đêm suốt sáng.
Còn theo anh Nguyễn Mạnh C. (23 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), từ khi CSGT siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, anh và bạn bè đã chọn xe công nghệ để di chuyển sau khi nhậu.
"Nhiều khi mình cảm nhận vẫn còn tỉnh táo để chạy xe về nhà nhưng nghĩ đến chuyện nếu "xui" bị phạt thì ít cũng mất nửa tháng lương. Thế nên, dù hơi bất tiện nhưng tôi và bạn bè chọn xe công nghệ, vừa an toàn vừa... đỡ xót tiền" - anh C. nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-12
Bình luận (0)