xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đo nồng độ cồn sao cho hiệu quả? (*): Đánh giá toàn diện, cân nhắc kỹ càng

Nhóm phóng viên

Trước khi ban hành chính sách, phải đánh giá vấn đề toàn diện trên cơ sở cân nhắc ưu - nhược điểm, tác động của chính sách đến người dân, sinh kế và cả những kẽ hở có thể bị lạm dụng…

Bạn đọc KIM CƯƠNG:

Nghiên cứu kỹ để thực hiện hợp lý

Mục đích lớn nhất của việc kiểm tra nồng độ cồn là nhằm xử phạt tài xế say xỉn, bảo đảm an toàn giao thông chứ không đơn thuần là đo sinh học nồng độ cồn. Ngay cả các nhà khoa học cũng không thể trả lời câu hỏi: Bao nhiêu mg/ lít khí thở thì không kiểm soát được hành vi khi lái xe? Bởi mỗi người có tửu lượng, giới hạn sức khỏe, khả năng tiếp nhận và đào thải rượu, bia khác nhau.

Do vậy, đã là luật cấm thì phải quy định cứng rắn, không thể ra giới hạn là 0,2 hay 0,4 mg/lít khí thở được. Quy định nồng độ trong máu bằng 0 đối với người tham gia giao thông sẽ giúp người dân xem xét lại thói quen uống rượu, bia của mình. Pháp luật không cấm chuyện uống rượu, bia nhưng nếu ai muốn uống thì đừng lái xe.

Có nhiều người ý kiến rằng không nên đặt mức nồng độ cồn bằng 0 mà nên áp dụng "vùng xanh" như phần lớn các quốc gia đang áp dụng, để bảo đảm ngăn chặn việc uống rượu, say xỉn vẫn tham gia giao thông nhưng đồng thời không bị "dương tính giả" với nồng độ cồn do các yếu tố khác. Ý kiến này không hẳn đã sai nhưng việc áp dụng ở nước ta cần có thời gian, nghiên cứu thiệt hơn để thực hiện một cách hợp lý nhất có thể.

Ngoài chuyện "vùng xanh", việc xác định thời gian dễ phát sinh tai nạn giao thông (TNGT), những cung đường, điểm nóng nào thường xuyên có tai nạn do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia để lập chốt kiểm tra cũng rất quan trọng. Vào ban ngày, giờ cao điểm người dân đi học, đi làm nhưng lại dừng xe kiểm tra nồng độ cồn như vừa qua là không hợp lý.

Phòng CSGT, Công an TP HCM kiểm tra nồng độ cồn Ảnh: Ý LINH

Phòng CSGT, Công an TP HCM kiểm tra nồng độ cồn Ảnh: Ý LINH

Trong thực tế, nhu cầu uống rượu, bia của người dân là có thật. Chúng ta thường sử dụng rượu, bia trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết, hội họp, gặp mặt... hay ma chay... Đó là phong tục, tập quán bao đời nay. Việc tôn trọng thời gian, hình thức và cách làm văn minh, không gây căng thẳng, nguy hiểm cho người dân là rất cần thiết. Chỉ có như vậy, người dân mới hợp tác đo nồng độ cồn.

Ngoài ra, cùng với yêu cầu của thực tế, chính quyền nên có các trạm đo nồng độ cồn tự động, miễn phí được kiểm soát, kiểm định đầy đủ để người dân tự kiểm tra trước khi tham gia giao thông. Đây là để kiểm tra chéo, để đối chứng với máy đo nồng độ cồn của cơ quan chức năng trong trường hợp có tranh cãi hoặc máy đo có sai số về kỹ thuật.

Về lâu dài cần có cách làm phù hợp để không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp rượu bia, dịch vụ du lịch, giải trí - là những ngành nộp thuế cao cho ngân sách. Trước khi ban hành chính sách để thực thi phải đánh giá vấn đề toàn diện trên cơ sở cân nhắc ưu - nhược điểm, tác động của chính sách đến người dân, sinh kế và cả những kẽ hở có thể bị lạm dụng…

Bạn đọc ĐỖ VĂN NHÂN:

Có cơ chế giải quyết khiếu nại

Những ngày qua, vấn đề nên hay không nên cấm tuyệt đối có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định này quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam; cần quy định rõ nồng độ cồn là bao nhiêu mới xử phạt… Có ý kiến nêu nếu làm quá gắt gao dễ phát sinh cãi vã, chống đối lực lượng CSGT…

Thời gian qua, đa số người dân đã có ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, nhiều người đã không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, có thói quen sử dụng các phương tiện công cộng (taxi, Grab, xe ôm…) để đi tiệc tùng. Do đó, cần thiết cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, việc đo nồng độ cồn phải được triển khai một cách hiệu quả, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Đồng thời, phải có cơ chế khắc phục tình trạng máy đo nồng độ cồn không bảo đảm kỹ thuật, thiếu chính xác, ống thổi nồng độ cồn không bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, phải có cơ chế giải quyết khiếu nại kết quả đo nồng độ cồn một cách hiệu quả. CSGT khi tiến hành đo nồng độ cồn phải dự liệu các tình huống xảy ra để xử lý, giải quyết khiếu nại về vi phạm nồng độ cồn. 

Xử đúng người, đúng tội

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn (Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM), tăng cường kiểm soát nồng độ cồn là cần thiết nhưng việc kiểm tra nồng độ cồn từ sáng đến trưa là không phù hợp. Nên xem xét kiểm tra từ khoảng sau 15 giờ hoặc kiểm tra những trường hợp nghi say xỉn.

Mặt khác, nên quy định xử phạt với mức nồng độ cồn tối thiểu. Bởi thực tế có người uống rượu, bia từ ngày hôm trước, sau một giấc ngủ dài 8-9 tiếng đến sáng hôm sau, trong cơ thể vẫn tồn đọng một tỉ lệ nồng độ cồn nhất định. Đây là những vấn đề nên xem xét, cân nhắc điều chỉnh để phù hợp thực tế hơn.

Ở góc độ kinh tế, luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, cho rằng các ngành nghề vốn tồn tại cộng sinh với nhau, đặc biệt là những ngành có truyền thống lâu đời như dịch vụ ăn uống - một trong những ngành kinh tế then chốt. Nhà hàng, quán ăn, quán nhậu là khâu tiêu thụ sản phẩm cuối cùng của nông dân nội địa nhưng quá "căng" trong nồng độ cồn thì chẳng còn ai dám ra đường. Ngăn chặn hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông là điều cần thiết nhưng làm sao để xử đúng người, đúng tội, không gây hậu quả dây chuyền, tác động cho nền kinh tế, đó mới là điều cần được bàn luận.

Không cứng nhắc

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT, Bộ Công an - cho biết bên cạnh những nguyên nhân như vi phạm tốc độ, xe quá khổ, quá tải thì vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT. Do đó, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn nhằm hạn chế TNGT, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, từ năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc. Việc kiểm tra nồng độ cồn được lực lượng chức năng thực hiện cả ngày lễ, Tết và các đợt cao điểm. Việc tập trung xử lý này không chỉ kéo giảm TNGT do sử dụng rượu, bia mà còn giúp hạn chế xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.

Thống kê của Cục CSGT, trong 11 tháng năm 2023, lực lượng CSGT xử lý gần 700.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23% tổng số vụ vi phạm giao thông), trung bình mỗi ngày xử lý khoảng 2.000 trường hợp.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 222 vụ TNGT nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 77 vụ (25,8%), giảm 99 người chết (50%) và giảm 49 người bị thương (22,6%).

"Những con số về TNGT có nguyên nhân do sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn đã chứng minh cho hiệu quả của việc quyết liệt xử lý vi phạm của các tổ công tác Bộ Công an. Rất mong người dân nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, không lái xe khi đã uống rượu bia, an toàn cho mình, cho người tham gia giao thông khác. Về phía lực lượng CSGT, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn sẽ là liên tục, không có ngày nghỉ và không có vùng cấm, không có ngoại lệ" - đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.

Về mức xử phạt, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết mức xử phạt hiện nay đã cao. Ngoài xử lý hành chính, lực lượng chức năng còn gửi văn bản đến tổ chức, đơn vị nơi công tác của công chức hoặc đảng viên để tiếp tục xử lý kỷ luật Đảng... Điều này có tính răn đe khi có những đơn vị đã buộc thôi việc với nhân sự vi phạm nồng độ cồn, có đơn vị xử lý kỷ luật Đảng.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định lực lượng CSGT khi xử lý vi phạm nồng độ cồn không cứng nhắc. Công dân có quyền được đề xuất lực lượng CSGT thổi lại nồng độ cồn khi cho rằng bản thân không vi phạm.

Còn theo đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, từ khi các lực lượng của công an tỉnh, công an các địa phương ra quân, đồng thời phối hợp với Cục CSGT, thì ý thức của người tham gia giao thông đã thay đổi rõ rệt, số người vi phạm về nồng độ cồn giảm trên 50%. Các hàng quán cũng đã nhận thức được việc này và có nhiều sự thay đổi hướng đến phục vụ khách hàng tốt hơn như bố trí xe chở người đã uống rượu, bia về nhà.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo