Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã gửi công văn yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông - chủ đầu tư) và UBND quận Bình Thạnh sớm xử lý vị trí sạt lở, đẩy nhanh tiến độ và tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa tại đoạn 4.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc khắc phục vị trí sạt lở trong vòng 3 ngày. Chi phí khắc phục do chủ đầu tư chịu trách nhiệm, không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 17-8, tại bờ trái sông Sài Gòn thuộc phường 27 (quận Bình Thanh, TP HCM) đã xảy ra sạt đất ven bờ với chiều dài khoảng 60m, rộng khoảng 5m (tại vị trí lớn nhất, nằm trong phạm vi của dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa) vào bên trong phía nhà dân; không thiệt hại về người và tài sản.
Khu vực sạt lở có nhiều vết nứt sâu, sụt lún, đất đá ngổn ngang hướng thẳng ra sông. Hiện, đơn vị thi công đã khắc phục bằng cách dùng nhiều bao đất, cọc tràm bảo vệ và khống chế tình trạng sạt lở
Là một trong số những hộ dân nằm gần vị trí sạt lở nhất, bà Đặng Thị Khuyến (SN 1963) chia sẻ chỉ kịp nghe tiếng ào ào, ra xem thì thấy cách vài mét trước nhà đã sạt hết xuống sông.
"Từ hôm sạt lở, tôi chỉ dám ở tạm trong nhà vào buổi sáng, đến chiều tối lại sang nhà người thân ở Chung cư Thanh Đa ở tạm. Hiện, cuộc sống gia đình rất khó khăn, không đủ chi phí để thuê nhà hay di dời sang nơi khác, 5 người trong gia đình vẫn cố gắng bám trụ căn nhà nhỏ này.
Tôi rất mong cơ quan nhà nước sớm hoàn thành sự án chống sạt lở Thanh Đa để người dân sống yên ổn, chứ như hiện nay thì cứ sống thấp thỏm lo sợ mệt mỏi lắm" - bà Khuyến thở dài.
Cảnh quen thuộc đối với người dân trong khu vực mỗi ngày khi nước sông dâng cao
"Mực nước dâng ven bờ kênh Thanh Đa rất cao, rất dễ tràn vào bờ nơi rất nhiều hộ dân sinh sống. Nếu chỉ gia cố lại đoạn vừa sạt lở, tôi nghĩ vẫn chưa khả thi, thời gian tháng 9 và tháng 10 sắp tới, chắc chắn tình trạng sạt lở sẽ nặng hơn theo mùa nước lên. Các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư nên có các phương án ứng phó, sắp xếp kinh phí thi công dự án giúp người dân sớm có cuộc sống ổn định cả về vật chất và tinh thần" - bà Đấy kỳ vọng.
Sáng 24-8, vách ngăn cao khoảng 7 viên gạch ống đã được xây
Về hướng khắc phục sự cố, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, chủ đầu tư dự án xây chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, cho biết: Trước mắt chủ đầu tư triển khai ngay giải pháp đóng cừ tràm và bao cát để gia cường, ổn định khu vực bờ sông bị sạc lở đất. Đồng thời tăng cường quan trắc khu vực này.
Song song đó đơn vị cũng đẩy nhanh tiến độ lựa chọn đơn vị thi công mới sau khi châm dứt hợp đồng với nhà thầu Anh Vinh để tiếp tục thi công khối lượng còn lại và hoàn thành dự án.
Đội bảo vệ an ninh, trật tự khu vực thay phiên túc trự, cảnh báo người dân
Ban Giao thông đang thực hiện 3 dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, gồm đoạn 2 (ngã ba sông Sài Gòn – thượng lưu kênh Thanh Đa đến xưởng cơ khí Tiền Phong), đoạn 3 (từ xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba Rạch Chùa) và đoạn 4 (từ ngã ba Rạch Chùa đến ngã ba sông Sài Gòn) với tổng chiều dài khoảng 9,5km, tổng kinh phí 1.342 tỉ đồng. Hiện nay đoạn 3, nhà thầu vẫn thi công bình thường nhưng đoạn 2 và 4 nhà thầu thi công chậm, Ban Giao thông đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Anh Vinh và tìm nhà thầu mới.
Năm 2016, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư Công trình chống sạt lở tại bán đảo Thanh Đa, chia công trình thành 4 giai đoạn. Đến nay, chỉ có đoạn 1 kênh Thanh Đa hoàn thành, các đoạn 2, 3, 4 vẫn đang thi công.
Công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa chủ yếu tại các vị trí sạt lở nguy hiểm. Việc xây dựng công trình nhằm phòng chống sạt lở cấp bách cũng như đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân trong khu vực.
VIDEO: Người dân Thanh Đa kỳ vọng dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa sớm hoàn thành
Bình luận (0)