Đang dùng bữa trưa, thấy một người đàn ông quen quen bước vào nhà, người phụ nữ sau giây phút thảng thốt đã sững sờ đánh rơi tô cơm. Hai mươi năm xa cách, chị em mừng mừng tủi tủi, không ai nói nên lời. Chị nắm chặt tay em, dắt đến bàn thờ. Trên đó, tấm "di ảnh" của ông đặt giữa hai chân đèn, nhang còn cháy dở, khói quyện vào những giọt nước mắt hạnh phúc sum vầy của hai chị em...
Ra đi
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ông Nguyễn Văn A - người lính từng trải qua hai cuộc kháng chiến gian khó của dân tộc - vẫn không thể nào quên giây phút gặp lại người thân sau những năm tháng tham gia chiến đấu biền biệt. Đến nay, dù tóc đã bạc trắng nhưng ông vẫn còn nguyên sự kiên định của người cộng sản suốt hơn 65 năm sắt son với Đảng.

Ông Nguyễn Văn A vẫn nguyên vẻ kiên định của người cộng sản suốt hơn 65 năm sắt son với Đảng
… Tháng 2-1955, tàu Kilinski sừng sững đậu ở cầu cảng Sài Gòn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa dòng người tấp nập tiễn đưa. Hàng ngàn người dân và cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị chia tay miền Nam, ra Bắc tập kết theo Hiệp định Genève. Ông Lê Duẩn, khi ấy là người đứng đầu Xứ ủy Nam Bộ, ra tận nơi động viên mọi người lên đường.
Trong dòng người ấy có chàng lính 20 tuổi Nguyễn Văn A. Tay nắm chặt quai ba lô, chân vững vàng song lòng bồn chồn, anh bước thẳng lên tàu mà không ngoái lại. Mười lăm tuổi, A đã thoát ly theo cách mạng, nay anh tạm rời quê nhà để ra Bắc.

Đã 50 năm, cựu binh Nguyễn Văn A còn nhớ như in những hồi ức thời chiến
"Buồn vui lẫn lộn nhưng nhớ lời Bác Hồ động viên đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc "Đến ngày hòa bình được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ", chúng tôi lại siết chặt tay nhau, quyết vững chí bền gan" - ông A nhớ lại.
Tàu Kilinski hú một hồi còi dài, rẽ sóng sông Sài Gòn ra biển lớn. Mỗi người được phát một ổ bánh mì thơm nức, là món quà và cũng là chút tình gửi theo người ra Bắc. "Chỉ là ổ bánh mì không nhân mà sao ngon đến thế! Không ai nói ra nhưng chúng tôi hiểu rằng món quà ấy không phải để no lòng mà là để nhớ thương" - ông A xúc động.
Trò chuyện với ông A, chúng tôi cũng xúc động không kém khi nghe ông nhiều lần nhắc đến ổ bánh mì ngày ấy. Có lẽ món quà lúc rời xa quê nhà luôn vương vấn lòng người. Ông cho biết hương vị ổ bánh mì ấy đã theo ông suốt hải trình từ cầu cảng Sài Gòn đến Hải Phòng, rồi vào trường đào tạo kỹ thuật. Giữa những ngày vượt Trường Sơn trở vào Nam chiến đấu, ông lại nhớ tiếng nhai vỏ bánh mì giòn rụm...
Sau thời gian được đào tạo tại các đơn vị kỹ thuật ở miền Bắc, ông A được phân công "đi B", trở lại miền Nam. Mang theo kiến thức và trang thiết bị, ông tiếp tục tham gia chiến đấu trong giai đoạn chiến tranh ác liệt.
Cuối những năm 1960, ông A lại trở ra Bắc để tổng kết kinh nghiệm, huấn luyện kỹ thuật. Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông tiếp tục vượt Trường Sơn lần nữa, chi viện cho chiến trường B2…
Những năm tháng trước thời khắc 30-4-1975 lịch sử, ông A vào Nam ra Bắc như con thoi để phục vụ công tác. Nhiều lần vượt Trường Sơn, với ông A, con đường huyền thoại này ngày càng trở nên quen thuộc. Ông từng đứng giữa ngã ba Đông Dương, lắng nghe từng nhịp hành quân của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn anh dũng.
Trở về
Ngày 30-4-1975, cả nước reo mừng đại thắng. Khắp nơi, người người ôm nhau khóc cười. Với ông A, khi nhận lệnh "lên đường vào Nam làm công tác tiếp quản" 2 ngày sau đó, tim ông càng đập rộn rã hơn. Cả đêm trước ngày trở lại quê nhà, ông nôn nao không ngủ được.
Chiều 5-5, tàu vào đến cảng Sài Gòn. Ông A bước lên bờ, lặng người xúc động giữa đất trời quen thuộc. "Non sông liền một dải, đã hết đạn bom, đã hết chia ly" - đồng đội ông thốt lên.
Ông A cùng một nhóm chiến sĩ được một tài xế đưa lên xe chở đi giữa đường phố Sài Gòn còn vương khói súng. Xe chạy vòng vèo khiến cả nhóm sốt ruột nhưng tài xế chỉ đáp: "Tôi làm theo chỉ đạo của cấp trên".
Tối mịt, xe dừng trước Trung tâm Huấn luyện Quang Trung ở Hóc Môn - nơi từng là căn cứ quân sự của chính quyền cũ, giờ trở thành điểm dừng chân đầu tiên của những người lính cách mạng trở về. Đây là nơi ông A làm các công việc tiếp quản trong những ngày đầu trở lại thành phố sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.
Được sự cho phép của cấp trên, ông A tranh thủ tìm về thăm gia đình sau bao ngày xa cách. Quê ở Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước), song ông phải quay ngược lại trung tâm Sài Gòn mới có xe về nhà.
Ngay đêm ấy, ông A cùng vài người bạn đi bộ ra khu dân cư, dò hỏi đường về thành phố. Một phụ nữ bán hàng cho biết 4 giờ mới có xe. Song, mới 3 giờ sáng, cả nhóm đã xách ba lô ra đường chờ. Gần 4 giờ, xe bắt đầu ngược về thành phố.
Từ bến Sài Gòn, ông A đón chuyến xe hướng về Sông Bé. Bước lên xe, ông nói to: "Cho về ngã năm Lái Thiêu". Thấy người đàn ông mặc quân phục mang hàm thượng úy, súng ngắn đeo kè kè bên hông, tài xế ngạc nhiên: "Ông ở đâu mà rành xứ này dữ vậy?". Ông chỉ cười, không đáp.
Đến đầu chợ Lái Thiêu, ông A xuống xe, bước thẳng đến một quán nước quen thuộc, lòng đầy hồi hộp. Ông hồi tưởng: "Chưa kịp uống ngụm nước, tôi đã nhận ra người bạn học thuở thiếu thời. "Xuân, nhớ tao không?" - tôi mừng rỡ. Xuân giật mình, tròn mắt ngạc nhiên khi thấy tôi mặc bộ quân phục. "Ông là ai mà biết tôi?". "Là A, em chị Ba Liễu đây!". "Trời ơi... Anh A về!" - Xuân hét toáng lên".
Cả góc chợ nhốn nháo rồi vỡ òa. Mẹ ông Xuân từ trong nhà bước vội ra, ôm chầm lấy ông A rồi chợt khóc chợt cười: "Con còn sống thiệt hả A? Chị Ba mày làm sao tin nổi!". Sau một hồi hỏi han, bà quay sang giục con trai: "Lấy xe đưa anh Tư về nhà mau!".
… Ông A đứng ngỡ ngàng ngắm "di ảnh" của mình trên bàn thờ. Bà Ba Liễu dọn vội tô cơm rơi vỡ liền quay lại hàn huyên với em trai sau 20 năm biền biệt. "Sau một thời gian dài không nhận được tin em, mẹ đã báo chính quyền là em mất tích. Rồi gia đình lập bàn thờ, nhang khói cho em suốt bao nhiêu năm nay. Vậy mà giờ em về thật rồi…" - người chị nghẹn ngào.
Ông A cho biết bà nội ông vốn là người có của ăn của để, thường giúp đỡ những người khó khăn. Bà có nhiều nhà cho thuê nhưng không lấy tiền khi người ta ngặt nghèo. Cái nghĩa, cái tình ấy khiến xóm giềng nhớ mãi, yêu mến cả "cậu Tư" - cháu bà. Bây giờ, sau bao nhiêu năm "mất tích", ông A đột ngột trở về khi tóc đã hoa râm, hàng xóm mừng vui như gặp lại người thân, như gặp lại "cậu Tư" thuở nào...
Với ông A, 30-4-1975 không chỉ là mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam mà còn là dịp thiêng liêng của sự đoàn tụ.
Nhớ mãi "di ảnh" năm nào
Ông Nguyễn Văn A từng là Phó trưởng Phòng Tham mưu - Cục Kỹ thuật Quân khu 7, nghỉ hưu với quân hàm thượng tá. Ở tuổi ngoài 90, giờ ông sống bình yên trong tổ ấm giản dị mà một đời binh nghiệp từng mơ ước.
Khi chúng tôi hỏi về những chiến công đáng nhớ sau bao nhiêu năm cống hiến, ông A cười hiền hậu: "Thứ tôi nhớ nhất không phải là huân chương, huy chương, mà là tấm "di ảnh" trên bàn thờ năm nào".
Sau tất cả, điều khiến ông A tự hào nhất là gia đình mình có 4 người là đảng viên. "Đất nước đã hòa bình, thống nhất, chúng ta phải sống sao cho nhân văn và tử tế" - ông bày tỏ.
Trong thời gian người em trai tham gia chiến đấu, bà Ba Liễu gánh gồng cả gia đình qua thời loạn lạc với tất cả sức lực của mình bằng nghề buôn củi khắp nơi. Chồng bà từng là thanh niên xung phong ở Lái Thiêu, sau đó bị địch bắt và phải phục vụ phía bên kia.
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người anh rể của ông Nguyễn Văn A đã phải đi cải tạo. Nghe tin, lòng ông chùng xuống...
Ông A đã không quản xa xôi, thường xuyên ra trại cải tạo ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thăm anh rể. Bước qua ranh giới lý tưởng, cũng không còn chuyện kẻ thắng người thua, những chuyến thăm này với ông chỉ là kết nối tình thân giữa những người trong gia đình.
Bình luận (0)