Chiều 20-12, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, đã tham dự Hội nghị Đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp (DN) đang đầu tư trên địa bàn.
Vướng chủ yếu về đất
Thông tin tại hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết trong số 151 kiến nghị của DN gửi đến, đã có 134 kiến nghị được các cơ quan xử lý, giải quyết; còn 17 kiến nghị đang được các sở, ban, ngành phối hợp theo dõi và giải quyết. Đa số các ý kiến, vướng mắc của DN liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, quy mô dự án, khắc phục sau thanh tra kiểm tra như "đất ở không hình thành đơn vị ở", thẩm định giá đất chậm, giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch vùng, địa phương…
Tham dự trực tiếp, ông Trần Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Crystal Bay, phản ánh tập đoàn đã đầu tư hơn 600 tỉ đồng để thực hiện 4 dự án trên địa bàn tỉnh suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang tầm nhìn đến năm 2040 mà tỉnh đang trình cơ quan Trung ương có nguy cơ loại bỏ 4 dự án nói trên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới DN và môi trường đầu tư của tỉnh. Nếu không xử lý sớm sẽ khiến DN ngại đầu tư vào Khánh Hòa.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị DN cung cấp cụ thể những khó khăn, vướng mắc bằng văn bản để tỉnh có căn cứ xử lý trên tinh thần cầu thị.
Theo ông Nam, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy hoạch. Tỉnh đã có quy hoạch chung nhưng một số quy hoạch quan trọng khác vẫn đang trình các cấp thẩm quyền thông qua, như: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045; Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; các quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện... Khi hoàn thiện mới đủ cơ sở quản lý và thu hút đầu tư.
Làm đúng quy định, tránh tiêu cực
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết tỉnh đang tính lại giá đất để tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó cũng có nhiều dự án thuộc diện phải rà soát để thực hiện đúng quy định pháp luật. Ông yêu cầu cơ quan chức năng và DN làm đúng quy định, tránh tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. "DN cứ làm đúng thủ tục, đã có cơ chế một cửa rồi. Các sở, ngành căn cứ vào thẩm quyền mà xử lý. Nếu vượt thẩm quyền thì trình UBND tỉnh xử lý chứ đừng để DN đi lên đi xuống như vậy" - ông Tuân chỉ đạo.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án thuộc diện ưu tiên kêu gọi vào Khu Kinh tế Vân Phong theo chính sách đặc thù của Nghị quyết 55; đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế nhằm mở rộng thị trường du lịch, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, EU… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang và cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa nhằm tăng tính cạnh tranh, lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thương, liên kết vùng. Ngoài ra, Khánh Hòa sẽ triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế ban đêm nhằm kích cầu du lịch, đẩy mạnh giao thương, quảng bá sản phẩm địa phương…
Đầu tư công còn chậm
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2023, vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là 7.014 tỉ đồng, vốn thực tế do tỉnh phân bổ 6.014 tỉ đồng. Tuy vậy, đến hết tháng 11, tỉ lệ giải ngân mới đạt 55,2% vốn do Chính phủ giao, đạt 64,3% vốn do UBND tỉnh giao.
Đầu tư công là một trong những nguồn vốn quan trọng để hỗ trợ DN, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, UBND tỉnh đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu, tổng hợp cho UBND tỉnh về đầu tư công; nguồn lực phải tập trung vào các dự án trọng điểm, không dàn trải.
Bình luận (0)