Ngày 6-9, một lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã nắm thông tin trên mạng xã hội bình luận về phiên bán đấu giá 3 trái sầu riêng tại Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk lần thứ II. "Đây là chương trình hết sức ý nghĩa nhằm tạo nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội nhưng rất tiếc lại có những ý kiến bình luận không hay" - vị này nói.
3 "Nữ hoàng sầu riêng" gần 3 tỉ đồng
Trước đó, tại Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk lần thứ II năm 2024, đã tổ chức bán đấu giá 3 trái sầu riêng gồm: sầu riêng cổ, Ri6, Dona đạt danh hiệu "Nữ hoàng sầu riêng".
Trái sầu riêng cổ được đưa ra đấu giá lấy từ cây cổ thụ hơn 100 năm trồng ở đồn điền CADA, với mức giá khởi điểm 60 triệu đồng. Cuối cùng, Công ty TNHH EKCORP (TP HCM) trúng đấu giá ở mức 350 triệu đồng.
Trái sầu riêng thứ 2 được đưa ra đấu giá thuộc giống Dona với mức giá khởi điểm là 70 triệu đồng. Đây là trái sầu riêng được lựa chọn rất kỹ từ hàng chục hộ trồng sầu riêng và trải qua quy trình lựa chọn chặt chẽ. Cuối cùng, Công ty TNHH trái cây Hồng Sang (Tiền Giang) trúng đấu giá 800 triệu đồng và hỗ trợ thêm 100 triệu đồng.
Phiên đấu giá trái sầu riêng thứ 3 thuộc giống Ri6, có mức giá khởi điểm là 60 triệu đồng. Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ra giá 500 triệu đồng. Đồng thời, bà Vy kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục chung tay đấu giá trái sầu riêng này để có thêm nguồn lực phục vụ công tác an sinh của huyện.
Cuối cùng có thêm 6 doanh nghiệp chung tay đấu giá gồm: Công ty Phân bón 3 tốt: 300 triệu đồng, Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Nông Phát: 200 triệu đồng, Công ty TNHH truyền thông VIC: 200 triệu đồng… Tổng cộng "Nữ hoàng sầu riêng" Ri6 được đấu giá thành công với tổng số tiền 1,6 tỉ đồng. Còn tính chung khoản tiền trúng đấu giá 3 trái sầu riêng và ủng hộ thì tổng số tiền được 2,85 tỉ đồng.
Lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk cho biết sau khi công bố phiên đấu giá, nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội không đúng, ảnh hưởng đến ý nghĩa của chương trình và các doanh nghiệp chung tay làm công tác an sinh xã hội.
"Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cụ thể việc sử dụng nguồn tiền rồi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng" - vị này thông tin.
Doanh nghiệp cam kết chuyển đủ tiền
Bà Nguyễn Thái Huyền, đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Nông Phát (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) - đơn vị tài trợ chương trình bán đấu giá 3 "Nữ hoàng sầu riêng", cho biết bản thân rất buồn khi nhiều ý kiến bình luận không đúng trên mạng xã hội về việc tổ chức bán đấu giá.
Theo bà Huyền nhằm chung tay tổ chức thành công Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk lần thứ II, nâng tầm giá trị trái sầu riêng, doanh nghiệp đã tài trợ 2 chương trình.
Nếu như cuộc thi "Thánh ăn sầu riêng" nhằm tạo không khí vui tươi cho người dân, du khách tham gia lễ hội thì việc tổ chức bán đấu giá 3 trái sầu riêng đạt danh hiệu "Nữ hoàng sầu riêng" có ý nghĩa hơn. Mục đích của chương trình trước hết là tôn vinh người nông dân đã làm ra trái sầu riêng ngon, đẹp. Qua đó, đưa ra thông điệp cho người nông dân nếu họ sản xuất ra trái sầu riêng đạt chuẩn thì sẽ bán được giá cao, không lo đầu ra.
Bên cạnh đó, khi làm việc với lãnh đạo huyện, doanh nghiệp cam kết tài trợ 3 trái sầu riêng mạ vàng tặng kèm người trúng đấu giá với điều kiện toàn bộ số tiền trúng đấu giá sẽ sử dụng vào mục đích an sinh xã hội, tái đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông dân trồng sầu riêng. Ví dụ, sử dụng số tiền này tổ chức các hội thảo hướng dẫn bà con làm ra được trái sầu riêng đạt chuẩn ngay từ đầu vào, đảm bảo các điều kiện, yêu cầu của các nước nhập khẩu.
"Để làm 3 trái sầu riêng mạ vàng, tôi đã đi nhiều điểm ở TP HCM để khảo sát nhưng đều không ưng ý và nhìn không giống thật. Sau đó, 1 đơn vị truyền thông giới thiệu cho tôi 1 người ở làng nghề tại TP Hà Nội. Sau khi thống nhất, tôi gửi các trái sầu riêng thật để họ đúc, tạo khuôn rồi mạ vàng 24k với chi phí hàng trăm triệu đồng" - bà Huyền chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH trái cây Hồng Sang cho biết sau khi mua đấu giá trái sầu riêng, bà có nghe thông tin trên mạng xã hội nhưng không quan tâm nhiều.
Theo vị này, từ trước đến nay, doanh nghiệp thường xuyên làm thiện nguyện nên khi nghe tin mục đích bán đấu giá 3 trái sầu riêng để phục vụ an sinh xã hội thì doanh nghiệp hưởng ứng. Theo như thỏa thuận ban đầu của UBND huyện Krông Pắk, huyện sẽ xây dựng kế hoạch an sinh xã hội và thông báo cho doanh nghiệp cùng thực hiện.
"Chỉ cần UBND huyện Krông Pắk thông báo chương trình và số tiền cần dùng, chúng tôi sẽ thực hiện ngay trong số tiền 900 triệu đồng. Chúng tôi không làm gì sai nên không quan tâm nhiều đến ý kiến trái chiều vì không thể đi giải thích cho từng người hiểu" - vị này nói.
Còn theo bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, không chỉ tôn vinh trái sầu riêng mà còn thực hiện công tác an sinh xã hội.
"Tôi đấu giá trái sầu riêng Ri6 500 triệu đồng và kêu gọi mọi người cùng chung tay đấu giá để có thêm kinh phí thực hiện công tác thiện nguyện. Tuy nhiên, sau chương trình có nhiều ý kiến bình luận không đúng, khiến chúng tôi rất bức xúc. Trước giờ chúng tôi làm từ thiện rất nhiều nhưng đâu phải vì PR cho doanh nghiệp. Đối với khoản tiền 500 triệu đồng, chúng tôi sẽ chuyển ngay sau khi huyện Krông Pắk có kế hoạch sử dụng" - bà Vy khẳng định.
Bình luận (0)