Trước vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa mà người bán không có hóa đơn thì bên mua lập bảng kê số lượng, giá trị hàng hóa, thông tin cơ bản của người bán bao gồm địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại đều được coi là hợp pháp.
Cơ quan thuế sẽ căn cứ vào các thông tin đó để là cơ sở tính chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp và được hoàn thuế nếu doanh nghiệp mua hàng hóa để xuất khẩu. Còn trường hợp doanh nghiệp mua bán hóa đơn để hợp thức hóa việc mua bán hàng hóa đều bất hợp pháp.
Tuy nhiên, trên thực tế có không ít doanh nghiệp không chưa nắm bắt được hết các quy định về việc sử dụng hóa đơn như thế nào là không hợp pháp.
Theo lãnh đạo Cục Thuế TP HCM, gần đây Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện việc rà soát, xử lý hóa đơn bất hợp pháp, như: hóa đơn chưa có hoặc đã hết giá trị sử dụng và bị ngừng sử dụng; hóa đơn mua hàng hóa có ngày lập từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, các hóa đơn không thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc, bị tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; hóa đơn ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa không có thật một phần hoặc toàn bộ; hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh, có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dùng hóa đơn của tổ chức khác để hợp thức hóa hàng hóa mua vào hoặc bán ra… đều không hợp pháp.
"Quan điểm của ngành thuế là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động phối hợp với cơ quan điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để ngăn chặn kịp thời và có biện pháp phòng ngừa, tránh hậu quả, thiệt hại cho ngân sách nhà nước" - đại diện Cục Thuế TP HCM nhấn mạnh.
Theo quy định của pháp luật, việc mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức chế tài xử phạt hành chính phổ biến từ 15 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc 20% số tiền thuế khai thiếu nếu người mua hàng hóa chứng minh được lỗi vi phạm thuộc về bên bán.
Riêng hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về tội trốn thuế.
Bình luận (0)