Trước tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động (NLĐ), tại Luật BHXH 2024 (hiệu lực từ 1-7-2025) đã bổ sung các biện pháp chế tài đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
Theo đó, người sử dụng lao động buộc phải đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH, BHTN; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Vinh Thông (quận Tân Phú, TP HCM) làm thủ tục khởi kiện đòi nợ BHXH
Liên quan quy định này, một số tình huống phát sinh trong thực tiễn khiến các doanh nghiệp (DN) băn khoăn. Đại diện Công ty TNHH Minami nêu tình huống: DN có thuê một lao động làm công việc vệ sinh văn phòng. Mỗi tuần NLĐ chỉ làm 3 ngày, mỗi ngày làm việc từ 1 đến 1,5 giờ, lương từ 1,5- 2 triệu đồng/tháng.
"Theo quy định của Luật BHXH mới, trường hợp DN không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc trong thời hạn nhất định thì bị xem là chậm đóng hoặc trốn đóng. Vậy trường hợp trên nếu công ty không tham gia BHXH cho NLĐ thì có bị xem là trốn đóng BHXH không?"- đại diện công ty thắc mắc.
Tương tự, ông Vũ Trọng Hiền, Giám đốc nhân sự của Công ty TNHH May thêu Thuận Phương, bày tỏ sự băn khoăn về trường hợp NLĐ nghỉ không hưởng lương quá 14 ngày trong tháng thì có phải tham gia BHTN, BHYT hay không? Bởi lẽ, Luật BHXH có quy định rõ NLĐ nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng sẽ không tham gia BHXH, nhưng tại Luật Việc làm chỉ quy định trường hợp NLĐ nghỉ ốm đau, thai sản từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHTN của tháng đó. Do vậy, công ty lo lắng nếu báo giảm đóng BHTN đối với NLĐ nghỉ không hưởng lương quá 14 ngày trong tháng thì liệu có bị phạm vào hành vi chậm đóng, trốn đóng BHTN theo quy định mới hay không?
Tháo gỡ vấn đề này, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH 2024 về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; khiếu nại, tố cáo về BHXH và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, Bộ Nội vụ đã đề xuất quy định về các trường hợp không bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHXH.
Cụ thể, các trường hợp không bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHXH bao gồm:
- Người sử dụng lao động đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, BHTN không đúng thời hạn do gặp phải sự cố khách quan không thể lường trước được và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, BHTN do gặp phải sự cố khách quan không thể lường trước được và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm 2 trường hợp bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN ngoài các trường hợp quy định tại điểm a,b,c,d,đ,e khoản 1 điều 39 Luật BHXH 2024. Đó là các trường hợp:
- Không đăng ký tiền lương đóng BHXH bắt buộc, BHTN đối với khoản tiền lương để ngoài sổ kế toán.
- Người sử dụng lao động sử dụng giấy tờ, tài liệu, thông tin không có thật để được tạm dừng đóng BHXH bắt buộc.
Bình luận (0)