Thông tin trên được BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, chia sẻ tại hội thảo Doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao, thời cơ và thách thức, chiều 16-8.
BS Nam cho biết năm 2023, tại TP HCM, số lượt bệnh nhân khám ngoại trú là hơn 36 triệu và hơn 22,4 triệu lượt điều trị nội trú. "Với đặc điểm này, việc cung ứng thuốc, vật tư y tế rất quan trọng" - BS Nam nhìn nhận.
Đánh giá về việc sản xuất thuốc, vật tư y tế, BS Nam cho biết khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nguồn nguyên liệu sản xuất thiếu hụt, không chỉ thuốc điều trị bệnh mà khẩu trang y tế sản xuất trong nước đã không đủ cung ứng cho nhu cầu của cộng đồng. "Qua đó có thể thấy an ninh y tế tại chỗ đóng vai trò rất lớn trong việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ứng phó với các dịch bệnh có thể xảy ra" - BS Nam nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, Chính phủ cũng đã ban hành chính sách phát triển công nghiệp dược đến năm 2030. TP HCM đang khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế trong nước. Hiện nay, tại khu Công nghệ cao TP Thủ Đức có 12 doanh nghiệp đang sản xuất thuốc và vật tư y tế cung cấp cho TP HCM, cả nước và phục vụ xuất khẩu.
Sau khi Luật Đấu thầu được thông qua (năm 2023), có nhiều chính sách ưu đãi cho sản xuất trong nước với công nghệ cao. Thách thức đặt ra là việc tham gia đấu thầu, đưa các sản phẩm này vào cơ sở y tế.
Tại buổi hội thảo, ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch Hội thiết bị y tế TP HCM, thông tin thời gian qua, nhiều nhà máy trong nước đã ngưng sản xuất hoặc bán nhà máy. Đây được xem là bước lùi với các doanh nghiệp sản xuất thuốc, vật tư y tế.
Trước khó khăn này, ông Hùng đề xuất cần có chính sách ưu đãi công bằng, hợp lý trong các khâu cung cấp hàng hóa cho các bệnh viện từ doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo các đại biểu, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi cho thiết bị y tế sản xuất trong nước. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp tham gia đấu thầu lại gặp khó vì chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về danh mục hồ sơ chứng minh tỉ lệ nội địa hóa; thiếu thống nhất giữa các cơ quan ban ngành.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong khâu nhập khẩu nguyên vật liệu. Việc xin giấy phép lưu hành thời gian xét duyệt cấp phép cho sản phẩm công nghệ cao tương đối lâu (từ 2 đến 3 năm) dẫn đến bị lỡ nhịp thị trường.
Bình luận (0)