Tại hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3 gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4 là để doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính, quyết định giá bán lẻ, Nhà nước sẽ không điều hành giá nhiên liệu.
Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, Premium được công bố trên thị trường quốc tế tính bình quân 7 ngày/lần theo số ngày có giá xăng dầu thế giới; Chi phí vận tải xăng dầu về Việt Nam, chi phí bảo hiểm đưa xăng dầu về Việt Nam được tính bình quân 1 quý/lần (được rà soát, điều chỉnh khi có biến động bất thường); Lợi nhuận định mức.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, chi phí kinh doanh định mức (biến động hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm/lần hoặc khi có biến động bất thường) để công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) của thương nhân trên thị trường.
Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Nghị định.
Điểm mới là họ sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Cụ thể, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.
Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn theo quy định, các thương nhân thực hiện bán lẻ xăng dầu tại địa bàn này được quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình không vượt quá 2% giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Nghị định.
Việc thay đổi này, Bộ Công Thương lý giải do cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường.
Quy định hiện hành là Bộ Tài chính hướng dẫn cách xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở, điều chỉnh các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức dựa trên báo cáo của doanh nghiệp đầu mối, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hàng quý. Sau đó, cơ quan này thông báo cho Bộ Công Thương để tính giá cơ sở bán lẻ.
Giá này được công bố 7 ngày một lần, là mức trần để các doanh nghiệp xác định giá bán lẻ trong hệ thống. Ví dụ, kỳ điều hành ngày 11-7, Nhà nước công bố giá xăng RON 95-III tối đa 23.294 đồng/lít, doanh nghiệp chỉ được bán ra bằng hoặc thấp hơn mức này.
Với thương nhân phân phối, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất nhóm này chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau. Nhằm minh bạch hóa thị trường kinh doanh xăng dầu, loại bỏ việc mua bán lòng vòng làm tăng thêm chi phí.
Còn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu. Bổ sung quy định về kinh nghiệm, năng lực đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu như có ít nhất 36 tháng làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Điểm mới của dự thảo lần 3 là không quy định riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, mà hướng tới quy định bình ổn giá xăng dầu tương tự như bình ổn giá các mặt hàng khác thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Việc bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo quy định của Luật giá 2023: Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá mức độ biến động giá thị trường mặt hàng xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân; có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá.
Bình luận (0)