Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy năm 2002 Việt Nam có gần 9.000 doanh nghiệp bán lẻ, đến thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), số lượng doanh nghiệp bán lẻ đã tăng lên 24.000 và tiếp tục tăng lên 36.500 vào năm 2010.
Cửa hàng tạp hóa mất sức hút
Hình thức bán lẻ hiện đại ngày càng chiếm ưu thế trong thị trường. Đến năm 2011, cả nước có khoảng 600 siêu thị, trung tâm thương mại tập trung ở các thành phố lớn. Tại các đô thị nhỏ, vùng ven đô, nông thôn và ở thành thị vẫn còn khoảng 9.000 chợ truyền thống. Các chợ truyền thống vẫn phục vụ khoảng 70% người tiêu dùng trên toàn quốc. Theo khảo sát của VCCI, trong dân cư có 37,4% số người được hỏi cho biết thường xuyên mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Loại hình cửa hàng bán lẻ hộ gia đình vẫn hiện diện phổ biến trong các khu dân cư ở đô thị nhưng theo kết quả khảo sát của VCCI, chỉ có 65,3% người được hỏi cho biết thường xuyên mua sắm hàng hóa ở kênh này nhưng với số lượng không nhiều. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi đáng kể, các cửa hàng tạp hóa mất dần sức hút, nhường chỗ cho hình thức mua sắm hiện đại.
Doanh nghiệp ngoại đang lấn át
Theo cam kết hội nhập, Việt Nam đã mở cửa dần thị trường bán lẻ, tiến đến mở cửa hoàn toàn vào năm 2015. Bộ Công Thương cho biết hiện các tập đoàn nước ngoài chỉ chiếm 40% số lượng siêu thị và 25% hệ thống trung tâm thương mại nhưng đều là các thương hiệu lớn có sức thu hút đối với người tiêu dùng. Tuy các doanh nghiệp nội chưa để mất “sân nhà” như lo ngại khi đàm phán WTO nhưng vẫn có thể nhận thấy doanh nghiệp ngoại đang lấn át doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ do lợi thế thương hiệu và tiềm lực tài chính. Sau những đại gia lớn như: Metro, Big C, Lotte, nhiều tên tuổi khác Aeon, E-Mart cũng đang lên kế hoạch mở chuỗi siêu thị tại Việt Nam theo phương thức đầu tư trực tiếp hoặc liên kết để tận dụng mạng lưới sẵn có và tránh được khâu rà soát ban đầu.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo dựng được những thương hiệu mạnh, có sức lan tỏa lớn. Nguyên nhân do tập quán sản xuất của người Việt Nam ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên quy trình liên kết từ khâu sản xuất đến phân phối, bán hàng đến tay người tiêu dùng kém khiến người tiêu dùng không tiếp cận được với giá tốt nhất. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết 4 đại gia gồm Hapro, Satra, Phú Thái và Saigon Co.op đã từng bắt tay xây dựng một thương hiệu lớn nhằm tạo thế cân bằng với các tên tuổi bán lẻ nước ngoài nhưng không thành công.
Bình luận (0)