Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp (DN) thủy sản niêm yết cho thấy cơ hội xuất khẩu và mua bán sáp nhập (M&A) trong ngành đang diễn ra thuận lợi, nhờ đó, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp trong ngành tăng giá mạnh.
Lợi nhuận đang tăng
Trong quý III vừa qua ngành thủy sản đón nhận nhiều tín hiệu tốt khi Nga công bố dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam (chiếm 40% giá trị hàng thủy sản xuất sang Nga). Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính đưa mức thuế giá trị gia tăng mặt hàng thức ăn chăn nuôi từ 5% về 0%. Trong 9 tháng đầu năm 2014, nhờ giá nguyên liệu ổn định và doanh số tăng, một số DN đã có lợi nhuận tốt. Trong 9 tháng đầu năm, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) xuất khẩu đạt gần 102 triệu USD, lợi nhuận ròng đạt 39,7 tỉ đồng, gấp 7,8 lần cùng kỳ, nhờ đó giá FMC tăng từ 10.600 đồng lên 22.800 đồng/cổ phiếu. Còn Công ty XNK Thủy sản An Giang (AGF) lợi nhuận sau thuế đạt gần 75 tỉ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước. Các DN khác như: Công ty CP Thủy sản Bến Tre (ABT) lợi nhuận sau thuế đạt 62 tỉ đồng, tăng 22% so cùng kỳ; Công ty CP Chế biến Thủy sản và XNK Cà Mau (CMX) lợi nhuận cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhờ lợi nhuận tăng cao, giá cổ phiếu nhóm DN thủy sản đã tăng mạnh, làm cho các nhà đầu tư mua và nắm giữ lâu cổ phiếu nhóm này thu lợi nhuận đáng kể.
Hưởng lợi từ nước khác
Một đại diện của Công ty Chứng khoán Mayban KimEng cho rằng giá trị xuất khẩu tôm tăng đáng kể trong những tháng vừa qua là nhờ hưởng lợi từ các nước có nguồn cung tôm lớn trên thế giới như Thái Lan và Trung Quốc bị sụt giảm mạnh sản lượng do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS), giúp các nước xuất khẩu tôm khác như Việt Nam, Ecuador, Indonesia và Ấn Độ trở thành những nguồn cung quan trọng. Cộng thêm nhu cầu đặt hàng tôm tại thị trường Mỹ nhích lên nên giá tôm xuất khẩu trung bình trong nhiều tháng qua đã tăng cao đáng kể. Nửa đầu năm nay, giá trung bình của tôm nhập khẩu vào Mỹ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III, xuất khẩu tôm toàn ngành đạt khoảng 1,2 tỉ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm ngoái; dự kiến trong quý IV/2014, ngành thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và thị trường thuận lợi thì khả năng xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2014 có thể vượt mốc 3,5 tỉ USD. Nhưng, lãnh đạo một DN thủy sản cho rằng không nên chủ quan bởi thực tế ngành thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện có hơn 50% nhà máy đã ngưng hoạt động do thị trường chưa ổn định và tài chính gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ Chính phủ đang chủ trương tái cấu trúc ngành thủy sản nên đây là cơ hội tốt cho DN mở rộng quy mô. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2015 trong ngành thủy sản sẽ diễn ra quá trình mua bán sáp nhập (M&A) các nhà máy một cách mạnh mẽ. Khó khăn của DN yếu chính là cơ hội của DN có tiềm lực tài chính mạnh.
Bình luận (0)