Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh 11 tháng, Bộ Công Thương cho biết trong tháng 11-2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,2 tỉ USD. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 137 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Vượt kế hoạch năm 2014
Với thành tích xuất khẩu 11 tháng đạt 137 tỉ USD, khối doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần phấn đấu xuất thêm 10 tỉ USD nữa là đạt mục tiêu xuất khẩu 147 tỉ USD của cả năm đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII. Theo tính toán của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, mức xuất khẩu trung bình mỗi tháng đạt khoảng 11,5 tỉ USD, do đó kim ngạch xuất khẩu năm 2014 có thể đạt mốc 150 tỉ USD, tăng nhẹ so với kế hoạch. Trong đó, đóng góp nhiều nhất cho kim ngạch là nhóm hàng công nghiệp chế biến, bởi qua 11 tháng, nhóm này đem về khoảng 100 tỉ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng trong nhóm có mức tăng trên 20% gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 37,2%, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 20,9%... Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản 11 tháng ước đạt 20,6 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20% như: thủy sản tăng 20,2%; rau quả tăng 39,6%; nhân điều tăng 23,1%; cà phê tăng 34,3%; hạt tiêu tăng 36%... Dự báo cả năm, Bộ Công Thương mạnh dạn đánh giá mức xuất siêu cả nước sẽ nằm trong khoảng 1,5 tỉ USD.
Về tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn đứng ở vị trí đầu tiên với mức tăng 21,3%; tiếp theo là EU tăng 11,4%; ASEAN tăng 2,9%; Nhật Bản tăng 9,9% và Trung Quốc tăng 13,1%. Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng thành tích xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 có được nhờ sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép hồi tháng 5. “Trung Quốc vốn là thị trường giao thương lớn của Việt Nam ở cả 2 chiều xuất và nhập khẩu nên sự kiện tháng 5 có ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, do phần lớn các đơn hàng, nhất là đơn hàng dệt may đã được ký kết từ đầu năm và duy trì đến hết năm, các doanh nghiệp 2 bên cũng cam kết hoạt động giao thương bình thường nên tình hình xuất nhập khẩu sang thị trường này khá ổn định” - ông Thắng đánh giá.
Nhiều mặt hàng chủ lực giảm giá
Trong 11 tháng vừa qua cũng ghi nhận sự giảm giá của nhiều mặt hàng chủ lực. Cụ thể, giá dầu thô giảm 0,7%; xăng dầu các loại giảm 2,2%; khí đốt hóa lỏng giảm 3,2%... Nhóm nhiên liệu và khoáng sản 11 tháng xuất khẩu ước đạt gần 8,4 tỉ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương giảm 366 triệu USD, trong đó: than đá giảm 37,9%; xăng dầu các loại giảm 22,9%; quặng và khoáng sản khác giảm 5,5%.
Riêng nguồn dầu thô đến hết tháng 11-2014 đã đạt sản lượng 8,46 triệu tấn, vượt 908.000 tấn so với kế hoạch, tăng 0,8% về giá trị. Nhưng điều đáng lưu ý là giá dầu thô giao bán trên thị trường thế giới đang rơi vào tình trạng giảm giá mạnh và nhiều dấu hiệu cho thấy có thể tiếp tục giảm cho đến quý I/2015. Do đó, các chuyên gia kinh tế lo ngại giá dầu sụt giảm mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015 khiến ngân sách thâm hụt không nhỏ. “Có nhiều lý do ảnh hưởng đến xuất khẩu năm 2015, trong đó giá dầu là một nguyên nhân. Xu hướng nhập siêu có thể quay lại vào năm tới khi giá dầu thô và nông - lâm - thủy sản giảm, trong khi nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng lên. Đây không phải tín hiệu quá xấu nhưng cần thận trọng để giữ gìn cán cân xuất nhập khẩu hợp lý” - chuyên gia Phạm Tất Thắng góp ý.
Bình luận (0)