Ngân hàng (NH) không đơn thuần là người cung cấp tín dụng mà còn có vai trò quan trọng hơn trong việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Đến giữa tháng 4 nhưng tín dụng hệ thống NH mới tăng 1,4%. Vì sao tăng thấp như vậy, thưa ông?
Chúng ta cần nhìn vào thực tế của nền kinh tế để có mức tăng trưởng tín dụng hợp lý. Ngoài ra, tín dụng tăng thấp do các NH áp dụng cho vay chặt chẽ hơn trước, nhất là trong việc thẩm định tài sản thế chấp, nên doanh nghiệp (DN) càng khó tiếp cận tín dụng.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, DN muốn vay vốn phải có phương án sản xuất kinh doanh tốt, báo cáo tài chính đẹp, có lợi nhuận và quan trọng là không vướng nợ xấu. Nếu đã có “vết” nợ xấu trong quá khứ, được lưu trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thì sẽ rất khó tiếp cận vốn lúc này, NH sẽ không dám cho vay. Một nghịch lý vẫn tồn tại là DN yếu kém, khát vốn mới cần tìm đến NH vay, còn những anh khỏe, lại có tồn kho tăng thì không mặn mà tín dụng. Chưa kể, lãi suất cho vay vẫn cao cũng đang là rào cản, bởi dù DN khỏe hay yếu vẫn phải chịu gánh nặng còng lưng trả lãi, nếu có thể họ sẽ không vay vốn.
* Phải chăng các NH đang quá dè dặt trong việc cho vay vì sợ nợ xấu?
- Nợ xấu đến nay vẫn là một rào cản, theo nghĩa NH quá sợ nợ xấu nên không dám đẩy mạnh cho vay. Khi nợ xấu được giải quyết, sẽ giúp các NH “bớt sợ” hơn. Theo tôi, NH nên mạnh dạn hơn nữa trong việc phê chuẩn cho vay. Lúc này, NH cần hiểu khách hàng của mình, hiểu phương án kinh doanh và tìm cách tư vấn giúp DN phát triển tốt hơn, có báo cáo tài chính minh bạch hơn… NH không đơn thuần là người cung cấp tín dụng mà còn có vai trò quan trọng hơn trong việc tư vấn hỗ trợ DN. Đối với các DN có dòng tiền tốt, hàng tồn kho lưu chuyển được và người quản lý thật tâm thì nên mạnh dạn cho vay. Bởi có nhiều DN có khả năng tài chính, có tiền nhưng không muốn trả nợ NH mà luôn tìm cách chạy nợ, đảo nợ…
* Theo ông, nếu mâu thuẫn NH thừa vốn - DN thiếu vốn vẫn chưa được tháo gỡ, Chính phủ nên vào cuộc giúp đỡ như thế nào?
- Giải pháp cuối cùng trong trường hợp NH vẫn cứ chùn tay cho vay, còn DN khó khăn không đủ tài sản thế chấp thì tôi nghĩ Chính phủ nên vào cuộc. Theo đó, Nhà nước sẽ thông qua hoạt động bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho DN vay vốn NH. Từ nhiều năm qua, hoạt động bảo lãnh tín dụng đã có ở nhiều địa phương nhưng không hiệu quả. Quy trình hoạt động, xét duyệt đơn của các quỹ bảo lãnh còn nặng tính xin - cho, DN phải chạy đi chạy lại giữa NH và quỹ bảo lãnh để xin vay vốn. Chờ đến khi quỹ bảo lãnh xét duyệt xong có lẽ DN đã… phá sản từ lâu. Quỹ bảo lãnh cần cơ chế thông thoáng hơn. Bộ phận quản lý quỹ phải là những người chuyên nghiệp, có kỹ năng tài chính… và đóng vai trò là người cho vay cuối cùng để kết nối giữa NH với DN.
Bình luận (0)