Phóng viên: Thưa ông, khi AEC được thành lập chính thức, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ có những thuận lợi, thách thức nào khi mức độ tự do hóa về thương mại, dịch vụ… ngày càng lớn?
TS Võ Trí Thành: AEC sẽ thành lập chính thức từ cuối năm 2015 nhưng thực tế quá trình tự do hóa trong khu vực ASEAN đã được tiến hành từ nhiều năm qua. Đến ngày AEC chính thức mở cửa, quá trình tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ sẽ được tự do hóa với mức độ sâu hơn khi các dòng vốn, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ năng… chuyển dịch dễ dàng hơn, sự hợp tác giữa các nước trong khối cũng lớn và chặt chẽ hơn. Trong môi trường này, DN có cơ hội làm ăn với không gian thoáng đãng, thêm mối liên kết giữa các nước trong khu vực và bên ngoài, giữa từng nước với nhau thông qua đầu tư, thương mại nhưng thách thức cũng rất nhiều.
Hàng hóa trong khu vực ASEAN là khá tương đồng nên khi hội nhập, DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của các nước. Liệu trong cạnh tranh có cơ hội?
- Đúng vậy! Cạnh tranh cũng hàm ý một cơ hội kết nối, nhiều DN tham gia thì khả năng kết nối, phối hợp cũng tốt hơn. Cạnh tranh về hàng hóa trong ASEAN là rất lớn, do trình độ phát triển và đặc thù tự nhiên, dù có phần bổ sung cho nhau nhưng không nhiều như giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật. Do đó, DN phải biết học cách kết nối, ngoài xử lý thông tin còn vấn đề ngoại ngữ, giao tiếp, hiểu lợi ích chung giữa các DN… Thế giới này là thế giới của thông tin nên cần gắn với sự hiểu biết thông tin về AEC. Nhiều điều tra cho thấy, các DN trong khu vực, cả Việt Nam và nhất là DN vừa và nhỏ, hiểu về AEC chưa nhiều về định hướng, chính sách…
Để tận dụng cơ hội từ AEC, DN Việt Nam cần phải làm gì để “chạy” kịp vào sân chơi AEC, thưa ông?
- Thế giới này là thế giới của cạnh tranh, coi cạnh tranh là thách thức đi lên nên DN cần nỗ lực thu thập thông tin. Đây là quá trình cạnh tranh phân khúc, chia đoạn nên DN cần phải chia sẻ lợi ích, dựa trên sự minh bạch và chân thành. DN cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, phụ thuộc vào lợi thế so sánh, mặt hàng của mình bổ sung hay cạnh tranh, hoạt động của mình nằm ở khâu nào trong dịch vụ, cạnh tranh trong chuỗi giá trị, cụm sản xuất kinh doanh… Cạnh tranh bằng giá hiện là mức thấp nhất nhưng DN có thể cạnh tranh phi giá bằng chất lượng, dịch vụ, thương hiệu và không hẳn DN Việt Nam không làm được.
Các hiệp định thương mại tự do, trong đó có AEC do Chính phủ ký cam kết thực thi. Vậy vai trò của Chính phủ trong hỗ trợ DN ra sao?
- Vai trò của Chính phủ rất lớn, phải làm sao cho DN hiểu rõ về sân chơi AEC, cũng như sân chơi lớn hơn toàn cầu. Vừa qua, dù chúng ta làm được nhiều nhưng khâu tuyên truyền phổ biến sâu còn chưa tương xứng với đòi hỏi. AEC không chỉ là câu chuyện thương mại mà còn liên quan đến chính sách trong mỗi quốc gia về cạnh tranh, cải cách hành chính… nên Chính phủ cần có chính sách nâng cao năng lực cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Bởi cơ hội đến nhưng anh không có năng lực thì cũng không nắm bắt được. Khi đó, vai trò của Chính phủ là cải cách trong nước tương thích với hội nhập, thị trường, ứng xử phải rõ ràng, minh bạch để giúp bầu không khí DN minh bạch hơn.
Bình luận (0)