Tại thời điểm này, Chính phủ đang trình Quốc hội (QH) phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2012. Về cơ bản, báo cáo quyết toán của Chính phủ được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng vẫn còn một số điểm khiến QH băn khoăn.
Nguồn thu bấp bênh
Năm 2012 được ghi nhận quản lý thu thuế có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể là công tác thanh, kiểm tra được tăng cường. Tuy nhiên, quy mô thanh, kiểm tra chưa đủ lớn và xử lý vi phạm còn chưa đúng quy định của pháp luật nên chưa có tính răn đe. Các hành vi trốn thuế, đặc biệt là hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vẫn còn phức tạp, gây thất thu cho NSNN.
Đối với công tác thu nợ đọng thuế cũng được chú trọng triển khai nhưng tình trạng nợ đọng thuế vẫn còn lớn, chiếm đến 8,38% tổng thu và tăng cao so với năm trước. Đây là một chỉ tiêu không đạt kế hoạch của thu ngân sách vì chỉ tiêu đề ra là nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu. Nguyên nhân nợ đọng thuế cao bắt nguồn từ việc doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Nhưng về mặt khách quan, một nguyên nhân quan trọng khiến nợ đọng thuế không đạt chỉ tiêu đề ra là do việc đôn đốc thu nợ chưa triệt để, xử lý nợ chưa kiên quyết, chưa nghiêm minh.
Tổng thu NSNN năm 2012 đạt hơn 1.058.140 tỉ đồng, tổng chi hơn 1.170.924 tỉ đồng. Nguồn bù bội chi NSNN lấy từ vay trong nước và nước ngoài. Nguồn thu NSNN vẫn bấp bênh khi cơ cấu thu vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn thu không bền vững như thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất, hải quan. Đây là các khoản thu không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế. Sang năm 2013, cơ cấu nguồn thu này tiếp tục được phản ánh trong thu NSNN.
Yêu cầu tiết kiệm
Trong khi nguồn thu bấp bênh thì chi NSNN lại thường xuyên vượt chỉ tiêu. Quyết toán chi cân đối NSNN năm 2012 là hơn 1.170.924 tỉ đồng, trong đó chi theo dự toán được QH quyết định là 978.463 tỉ đồng, tăng 8,3% so với dự toán. Đáng lưu ý là một số khoản chi không quan trọng đạt dự toán, trong khi một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được QH quyết định, gây ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ, thu ngân sách năm 2012 chỉ tăng 1,9% nhưng quản lý hành chính tại 20/34 địa phương được kiểm toán lại tăng vượt hơn 30% so với dự toán đầu năm; trong khi chi giáo dục, dạy nghề, sự nghiệp y tế, khoa học công nghệ và dân số lại thấp hơn chỉ tiêu. Chi đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn thất thoát, lãng phí và sai phạm nhiều… Tình trạng này cũng lặp lại trong công tác chi ngân sách năm 2013 mặc dù QH đã đồng ý nới bội chi từ 4,8% lên 5,3%.
Với diễn biến phức tạp trên biển Đông hiện nay, các chuyên gia kinh tế dự báo tình hình thu chi ngân sách năm 2014 sẽ tiếp tục lặp lại kịch bản thu bấp bênh trong khi bội chi vượt kế hoạch. Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế năm nay rất khó khăn, không thể tiếp tục để kịch bản ngân sách lặp lại như những năm trước. Vấn đề tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách phải được đặt lên hàng đầu với mục đích giảm một nửa chi thường xuyên bằng cách chỉ chi cho lương và bảo hiểm xã hội. Chi ngân sách cần minh bạch, đúng theo dự toán và phải chủ động cắt giảm nếu thấy không cần thiết để giảm bội chi.
Bình luận (0)