Bộ Tài chính vừa ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với một loạt mặt hàng để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019. Theo đó, từ ngày 1-4, có 3.234 mặt hàng từ Nhật Bản được hưởng thuế suất 0% (tương đương 33,8% tổng biểu thuế), 354 dòng thuế suất không cam kết cắt giảm. Nhóm mặt hàng thuế nhập khẩu 0% gồm chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược… Theo các nhà phân tích kinh tế, với sự tin cậy về chất lượng, hàng Nhật sẽ dần chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng cao cấp của Việt Nam.
Cơ hội
Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tỉ trọng lên đến 10,26% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn xuất siêu/thặng dư trong buôn bán với Nhật Bản. Năm 2011, nước ta xuất siêu 0,4 tỉ USD; năm 2012 con số này là 1,5 tỉ USD và 11 tháng năm 2013, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường Nhật Bản 1,8 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2012...
Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày, sản phẩm từ chất dẻo... Từ nay đến năm 2019, thêm nhiều mặt hàng khác từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu về 0%. Như vậy, phần lớn những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Nhật sẽ có giả rẻ hơn, một số sản phẩm Việt Nam xuất khẩu cũng sẽ có mức giá cạnh tranh hơn nếu sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Nhật.
Mặt khác, dù kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng nhưng đa số mặt hàng của Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản. Do đó, Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội tăng thị phần tại Nhật Bản. Nhật Bản có yêu cầu rất cao về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, thậm chí có những yêu cầu còn cao hơn châu Âu. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chú ý đến các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng khi đã bảo đảm được vấn đề này, hàng hóa của Việt Nam sẽ vào Nhật Bản dễ dàng và đây thực sự là thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tận dụng ưu đãi thuế
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật cũng như việc xuất khẩu hàng hóa của nước ta được hưởng nhiều lợi thế ưu đãi về thuế quan và có lợi thế cạnh tranh hơn các nước khác, đặc biệt là các mặt hàng về nông sản, dệt may, thủy sản được miễn thuế. Hiện người tiêu dùng Nhật Bản đang chuyển sang tiêu thụ thủy sản có giá rẻ hơn, nhưng vẫn rất chú trọng chất lượng cao, độ tươi, có lợi cho sức khỏe và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, điều quan trọng ở thị trường Nhật mà các doanh nghiệp cần phải lưu ý là phải xây dựng lòng tin về chất lượng sản phẩm, uy tín trong thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm các nhà cung ứng Nhật Bản bởi chính họ là những nhà phân phối trực tiếp và có uy tín rất cao cho hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.
Bình luận (0)