Đội cơ động xử lý sự cố giao thông tại Bình Dương là mô hình đầu tiên trong cả nước đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh cùng tham gia bảo đảm tình hình trật tự giao thông, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trong 3 năm qua, Đội đã tham gia ứng cứu hơn 210 trường hợp sự cố giao thông; tham gia bảo vệ hiện trường hơn 1.400 vụ tai nạn giao thông; cung cấp hơn 3.100 tin báo về vi phạm giao thông, hơn 330 tin về hạ tầng giao thông bị hư hỏng, hơn 150 tin báo về tai nạn giao thông; giải quyết hơn 140 vụ ùn ứ giao thông...
Đội cơ động xử lý sự cố giao thông được bố trí hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông Công an địa phương thực hiện nhiệm vụ tuần tra giao thông hàng ngày, tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống tội phạm...
Từ khi thành lập đến nay, Đội đã góp phần giúp lực lượng Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện, thành phố giảm tải áp lực công tác điều tiết giao thông tại các giao lộ trọng điểm, đồng thời góp phần tích cực trong công tác bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông; giúp đỡ người dân trong xử lý tình huống, sự cố giao thông xảy ra.
Tỉnh uỷ Bình Dương đã đề nghị các ngành liên quan, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh xem xét về cơ chế, chính sách để các thành viên Đội cơ động xử lý sự cố giao thông an tâm công tác, gắn bó với công việc và hỗ trợ đắc lực cho việc giải quyết các sự cố về giao thông.
Trước đó, HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Quyết định số 06/2024/QĐ-HĐND quy định tiêu chí thành lập, số lượng thành viên; mức chi cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Đối tượng áp dụng là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí ở ấp, khu phố thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn. Mỗi ấp hoặc khu phố thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự gồm có tổ trưởng, tổ phó và tổ viên. Trong đó, địa bàn thuộc xã được bố trí từ 3 đến 5 thành viên; địa bàn thuộc phường, thị trấn được bố trí từ 5 đến 9 thành viên. Tổ trưởng được hỗ trợ 5 triệu đồng/người/tháng; tổ phó là 4,7 triệu đồng/người/tháng; tổ viên là 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Hỗ trợ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế theo quy định về BHXH tự nguyện với mức đóng thấp nhất đối với thành viên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT theo đối tượng tham gia BHYT là hộ gia đình. Hỗ trợ trang phục cá nhân, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công an.
Hàng năm, Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ kinh phí hoạt động 20.000.000 đồng/xã, phường, thị trấn/năm để mua sắm văn phòng phẩm; hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập; sơ kết, tổng kết.
Bình luận (0)